e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Quá nhiều câu hỏi khó trong quá trình phát triển

05:36 | 22/04/2015 Print
- Ngay cả tiến trình tái cơ cấu, dù được nhìn nhận là đã khởi động với khá nhiều hứa hẹn tích cực khi nhìn vào những động thái chính sách cụ thể, song vẫn còn câu hỏi là dường như vẫn chậm và chưa đúng mục tiêu.

Với chủ đề cải cách kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Biến lời nói thành hành động, Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân khai mạc ngày 21/4/2015 tại Nghệ An.

Kinh tế hồi phục ở mức thấp và chưa bền vững

Báo cáo đề dẫn tổng quan tình hình kinh tế xã hội Việt Nam 2014, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: Nhìn vào số liệu sẽ thấy, tăng trưởng năm 2014 vẫn diễn ra theo kịch bản cũ “tiếp tục hồi phục, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước”.

Điểm nhấn là tăng trưởng bất ngờ ở quý III (6,07%) và quý IV (6,96%) làm cho mức tăng trưởng cả năm cao hơn hẳn so với 3 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, theo ông Thiên, mức phục hồi này vẫn còn thấp, chưa vượt qua mức 6% và chưa thực sự bền vững. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng năm 2014 thấp hơn khá xa mức tăng trưởng bình quân của giai đoạn 1990-2010.

"Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa bền vững, có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng thấp", vị chuyên gia này nhận định.

Ngay cả tiến trình tái cơ cấu, dù được nhìn nhận là đã khởi động với khá nhiều hứa hẹn tích cực khi nhìn vào những động thái chính sách cụ thể, song vẫn còn câu hỏi là dường như vẫn chậm và chưa đúng mục tiêu.

Đồng tình với quan điểm trên của TS. Nguyễn Đình Thiên, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng cho rằng, nền kinh tế trên đà phục hồi nhưng vẫn nằm ở vùng đáy của sự tăng trưởng, chưa khởi sắc; đang có nhiều vấn đề cần phải xem xét như khó khăn trong tiêu thụ nông sản.

Đã vậy, chi phí bôi trơn làm chi phí DN tăng lên, làm giảm lòng tin lớn.

“Bây giờ đi vào cơ quan công quyền, dịch vụ, người dân lúc nào cũng lo đến việc bôi trơn”, ông Kiêm chua chát.

Chuyên gia Ngô Trí Long cảnh báo: “Năm nào Chính phủ cũng báo cáo nền kinh tế phục hồi, chuyển biến tốt nhưng thực tế chuyển biến rất chậm”.

“Nền kinh tế có dấu hiệu mất cân đối trong thu chi ngân sách, việc tái cơ cấu là cần thiết, nhưng chưa đúng hướng, chưa khơi dậy sức sáng tạo trong khoa học công nghệ, phải trọng dụng nhân tài, nâng cao năng lực canh tranh, giảm chi phí tham nhũng” – TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, thẳng thắn.

Vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra trong phát triển?

Ngay cả tiến trình tái cơ cấu, dù được nhìn nhận là đã khởi động với khá nhiều hứa hẹn tích cực khi nhìn vào những động thái chính sách cụ thể, song vẫn còn câu hỏi là dường như vẫn chậm và chưa đúng mục tiêu.

Về nội lực doanh nghiệp, TS. Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: Ai là chủ thể của phục hồi kinh tế Việt Nam, khu vực nội địa hay khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)? Vì sao lại có tình trạng trên và lỗi có phải tại ta? Hệ lụy sẽ là gì trong cả hai xu hướng: FDI lấn át và FDI rời bỏ Việt Nam khi tận dụng hết các cơ hội từ lợi thế hiện hữu?

“Khi FDI vào nhiều, với các TNC hàng đầu như Samsung, Microsoft, Toyota, chủ thể phát triển của Việt Nam đã thay đổi sâu sắc. Nhưng xu hướng đó có làm thay đổi đẳng cấp công nghiệp, đẳng cấp phát triển của Việt Nam như ta mong đợi?”, ông Thiên đặt câu hỏi.

Trong khi đó, khu vực FDI có tới 60% doanh nghiệp báo lỗ kéo dài song lại là khu vực có tốc độ tăng vốn nhanh nhất, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn khai lỗ. Đây cũng là khu vực có tăng trưởng doanh thu và xuất nhập khẩu ngoạn mục nhất, liên tục xuất siêu và chiếm khoảng 65-57% kim ngạch xuất nhập khẩu.

Về vấn đề nợ xấu, ông Thiên vẫn rất băn khoăn. Nợ xấu bị “xích” lại hầu hết, nhưng chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường. Cách xử lý nợ chưa đủ tin cậy vì thiếu “căn cốt” thị trường.

“Liệu rằng lấy 2000 tỷ đồng vốn của VAMC có phá tan được “cục máu đông” 150.000-200.000 tỷ đồng nợ xấu? Liệu trái phiếu của VAMC có đủ là nguồn lực thị trường để mua bán song phẳng nợ xấu. Đến lúc nợ xấu thoát xích thì hệ quả sẽ ra sao?”, ông Thiên tiếp tục hỏi.

Với nợ công, ông Thiên đặt vấn đề, năm 2015 dự báo nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách sẽ vượt trần là 25,9%. Đi kèm là nguy cơ của xu hướng nội địa hóa nợ công, nghĩa là dựa vào trái phiếu chính phủ thay vì ODA, đó là lãi suất nợ cao, thời hạn nợ ngán, tranh chấp vốn và cạnh tranh lãi suất với tín dụng khu vực kinh doanh.

Ông nói: “Đây phải chăng sẽ là vấn đề chủ yếu của nợ công năm nay, chứ không chỉ ở chỉ tiêu chuẩn an toàn nợ công nữa”

Tuy vậy, cũng phải nói rằng, tín hiệu tích cực của phục hồi kinh tế không hề nhỏ khi ông Thiên và các cộng sự cho rằng, tái cơ cấu đã khởi động đúng hướng. Đây chính là các yếu tố căn bản, quyết định thúc đẩy tái cơ cấu đạt mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đó là đầu tư công đã thay đổi nguyên tắc từ xin cho hàng năm sang duyệt cấp trung hạn, tập trung và cam kết trách nhiệm thực thi. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung cổ phần hóa theo nguyên tắc thị trường, giá trị trường, chịu trách nhiệm cá nhân. Trong hoạt đông ngân hàng, dồn nợ xấu về “kho” và cấu trúc lại hệ thông ngân hàng.

Đặc biệt, với Luật Doanh nghiệp năm 2014, chức năng nhà nước – doanh nghiệp được phân định; quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được tôn trọng; các rào cản gia nhập thị trường, can thiệp hành chính của chính quyền địa phương vào hoạt động của doanh nghiệp được thu hẹp…

“Tôi cũng rất quan tâm đến nguyên lý hoạt động mới của cơ quan công quyền: chịu trách nhiệm cá nhân – theo chức năng. Điều này nhìn rất rất rõ trong cơ chế điều hành quản lý nhà nước cũng đang được cải cách mạnh, bắt đầu tư giảm giờ “hành” thuế và “hành” thủ tục hải quan…”, ông Thiên nhấn mạnh, đây vẫn là các nhiệm vụ ưu tiên của năm 2015.

“Cụ thể, nhiệm vụ của năm 2015 cần ưu tiên cổ phần hóa với giá thị trường và tỷ lệ “giữ nhà nước tối thiểu, giao thị trường tối đa”. Nguyên tắc quản lý nhà nước cũng là tháo gỡ tối đa và chịu trách nhiệm cá nhân tối đa. Bên cạnh đó, giải pháp Chính phủ trả nợ xấu cho doanh nghiệp nhà nước cần được xem xét để đạt 2 mục tiêu là cổ phần hóa hiệu quả hơn và giải tỏa bớt nợ xấu”, ông Thiên đề xuất./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư