e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Làm gì để nông thôn phát triển khi “hoa lợi ở dưới thấp” đã hết?

10:49 | 05/05/2017 Print
- Thực tế, nông thôn đúng là kẻ đi trước, nhưng về sau, là người khởi xướng cải cách, nhưng cuối cùng, bức tranh nông thôn đang cho thấy rõ, dấu ấn cải cách đang rất mờ nhạt…

Nông nghiệp đang bị “cạnh tranh” bởi đô thị

Tại hội thảo công bố cuốn sách “Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi ở nông thôn Việt Nam”, ngày 04/05/2017, do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, GS. Finn Tarp (trường Đại học Copenhagen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Thế giới của Trường Đại học Liên hợp quốc (UNU-WIDER) chỉ rõ, nông nghiệp vẫn tiếp tục đóng vai trò kinh tế và thể chế quan trọng ở nông thôn Việt Nam.

Điều đáng lo ngại là giá trị gia tăng trong nông nghiệp có thể không tăng tương xứng sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong khi một bộ phận lớn người dân Việt Nam vẫn tiếp tục sống dựa vào nông nghiệp.

Vẫn thẳng thắn như thường thấy, chuyên gia Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch của VCCI cho rằng, nông nghiệp, nông thôn đang bị đô thị hóa “cạnh tranh”. Rất nhiều nguồn lực, vốn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp đổ vào đô thị, vào bất động sản.

“Đáng nhẽ nông thôn nhận được sự lan tỏa của đô thị hóa, được hưởng những thành công do đô thị hóa mang lại, nhưng sự thật lại ngược lại”, bà Lan chỉ rõ.

Nông nghiệp đang xa dần thị trường, không chỉ là vấn đề đất đai, mà còn các vấn đề khác. Cụ thể như ở thị trường đầu vào, người nông dân cũng không có quyền của người mua. Họ không có quyền lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào, khiến sản phẩm của họ kém đi về chất lượng, làm mất niềm tin của người tiêu dùng, dẫn tới triệt tiêu các tác động tích cực của thị trường.

Bà Lan cho rằng, cải thiện ở nông thôn hiện nay chủ yếu là cải thiện về hạ tầng, chứ các dịch vụ cơ bản cho người dân vẫn thiếu và có khoảng cách rất xa so với đô thị.

Thực tế, nông thôn đang bị quá trình đô thị hóa làm cho ngày càng lép vế hơn. Thị trường lao động cũng vậy, người nông dân vẫn ở vị thế lép vế.

Một vấn đề khác khiến bà Lan quan ngại đó là hình như, gần đây đang có xu hướng “đẻ” ra những chính sách gây khó cho các doanh nghiệp siêu nhỏ trong nông nghiệp.

“Tôi đang có cảm giác là chính sách đang tạo sức ép để đẩy doanh nghiệp siêu nhỏ lên doanh nghiệp nhỏ và vừa cho đạt chỉ tiêu đề ra. Trong khi đây lại là khu vực doanh nghiệp tạo ra việc làm lớn trong khu vực nông thôn. Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ rất quan trọng, rất nền tảng lại đang bị quên lãng. Nhiều chính sách đang giúp các đại gia chèn lấn các doanh nghiệp nhỏ”, bà Lan quan ngại.

Ở một góc độ khác, PGS, TS. Nguyễn Thị Lan Hương , nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, bây giờ không nói đến chuyện cải cách thể chế nữa, mà cần tháo gỡ thể chế, bởi chúng ta đã cải cách rồi, nhưng nó còn nhiều vấn đề.

“Thực tế, nông thôn đúng là kẻ đi trước, nhưng về sau, là người khởi xướng cải cách, nhưng cuối cùng, bức tranh nông thôn đang cho thấy rõ, dấu ấn cải cách đang rất mờ nhạt. Các cải cách của chúng ta có vẻ như tác động tới khu vực này khá ít, thậm chí các tác động tiêu cực lại rõ hơn. Ví dụ như vấn đề lao động, bất bình đẳng tuyệt đối tăng, cho thấy người dân ở nông thôn hưởng lợi ít hơn, khoảng cách với thành thị lại gia tăng”, bà Hương nhìn nhận.

Nhấn mạnh các vấn đề về niềm tin, tham nhũng, không minh bạch về chính sách, bà Hương cho rằng, sự chuyển dịch lao động trong khu vực nông thôn rất chậm chạp, chủ yếu do lực đẩy, mất đất phải ra đi chứ không phải do lực hút. Người nông dân gần như bị “đẩy” ra thành phố vì mất đất, thiếu việc làm, chứ không phải họ bị hấp dẫn bởi sức hút của thành phố. Thị trường lao động ở đô thị không đón sự dịch chuyển này, họ trở thành khu vực phi chính thức của thị trường lao động thành phố.

Bức tranh nông thôn vẫn ảm đạm

Cần làm gì để nông thôn phát triển?

Theo bà Phạm Chi Lan, để nông thôn phát triển, trọng tâm số 1 là vấn đề đất đai, xem lại cơ chế đất đai.

“May mắn, vấn đề nóng bỏng này đã được Nhà nước quan tâm. Chính phủ đã giao cho các bộ xem xét trình đề án cải cách đất đai, để sửa đổi luật Đất đai, mở rộng hạn điền, thời gian tới trình Quốc hội”, bà Lan chia sẻ.

Bà Lan cho rằng, thị trường cả đầu vào, đầu ra cần được điều chỉnh lại, làm sao cho người nông dân có vị thế tốt hơn trong chuỗi giá trị.

“Làm sao hình thành thị trường đảm bảo tốt hơn cho người nông dân để họ an tâm đầu tư vào nông nghiệp”, bà Lan khuyến nghị.

Về khía cạnh doanh nghiệp, tiếp tục nghiên cứu doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn, số doanh nghiệp từ nông dân mà lên rất ít,nếu không chuyển đổi được như vậy, thì vấn đề dư thừa lao động trong nông nghiệp trong tái cơ cấu nông nghiệp cũng không được giải quyết.

Cũng ở góc độ thị trường, ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng ban Dịch vụ công (CIEM) cho rằng, hiện nông nghiệp đang tập trung quá nhiều ở mảng cung, mà chưa tập trung ở mảng cầu. Vì thế, mới xuất hiện quá nhiều câu chuyện”giải cứu”, hết dưa hấu, hành tím lại đến thịt lợn.

Cho rằng, vấn đề nông thôn đang tồn tại nhiều vướng mắc, nhưng hiện nay, chúng ta mới chỉ xử lý nhỏ lẻ, thiếu cải cách nông thôn một cách toàn diện, vì thế ông Khải đề xuất: “Điều quan trọng là làm thế nào để tăng cường năng lực của hộ nông dân, để họ tiếp cận tốt hơn với thị trường, tiếp cận được cả cung và cầu của thị trường”.

Ở góc độ thể chế đất đai, GS. Finn Tarp lại đánh giá, việc quan trọng nhất hiện nay là phải đảm bảo cho nông dân được sở hữu và kiểm soát thửa đất họ đang canh tác. Thế nhưng, thực tế, vẫn còn một lượng lớn các thửa đất không có sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – LUC).

GS. Finn Tarp khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam nên chú trọng vào việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, cần phải cẩn trọng trong quá trình thực hiện để không dẫn đến hiện tượng mất đất ở các hộ nghèo nhất.

Một hàm ý chính sách quan trọng khác được rút ra từ trường hợp của Việt Nam, theo GS. Finn Tarp, là vai trò của chính phủ trong việc hình thành môi trường cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp thông qua việc tạo thuận lợi cho việc bắt đầu một hoạt động kinh doanh, tăng cường tiếp cận tín dụng dựa trên các phân tích chi phí – lợi ích về mặt tài chính và kinh tế.

Chỉ rõ rằng, những điểm còn thiếu sót của chính sách là rào cản cho việc nâng cao giá trị gia tăng trên lao động nông nghiệp và đó là một minh chứng cho sự cần thiết của thể chế cần phải theo kịp sự tiến bộ của nền kinh tế, GS. Finn Tarp khẳng định, Việt Nam cần tiếp tục tập trung thúc đẩy sự phát triển về vốn xã hội, lao động và vật chất, với sự quan tâm đặc biệt đối với các tỉnh gặp nhiều khó khăn và các nhóm dân tộc thiểu số.

Các chính sách cần phải sâu rộng hơn nữa để giúp tăng năng suất nông nghiệp. Đây chính là vấn đề cốt lõi cần được phát triển và mở rộng ra cho tất cả các vùng trong cả nước.

“Cố gắng xóa bỏ các rào cản không cần thiết đối với sự phát triển doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phân bổ hiệu quả các nguồn lực và cần tăng cường các chương trình hỗ trợ giúp các hoạt dộng khởi nghiệp phát triển và mở rộng tại khu vực nông thôn”, GS. Finn Tarp nhấn mạnh.

Thực hiện các nguyên tắc kinh tế xã hội minh bạch, bình đẳng, có thể giải trình, theo đó mọi người dân đều tuân thủ pháp luật và những người nắm quyền thì phải chịu trách nhiệm với những quyết định của mình..

“Việt Nam nên lưu ý rằng những lợi thế từ các “hoa lợi ở dưới thấp” sẽ ngày càng trở nên khan hiếm hơn, từ đó cần đưa ra những cải cách sâu rộng hơn để có thể thu được hoa lợi ở trên cao”, GS. Finn Tarp nhắc nhở./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư