e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Những văn bản chỉ đạo nổi bật của Chính phủ ngày 06/1/2015

20:46 | 06/01/2015 Print
- Điều tra thực trạng KT-XH 53 dân tộc thiểu số; Công điện về tổ chức Lễ ra quân Năm ATGT 2015; 14 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; Xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích... là những văn bản chỉ đạo nổi bật của Chính phủ ngày 06/1/2015.

Điều tra thực trạng KT-XH 53 dân tộc thiểu số

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số nhằm hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Theo đó, Đề án sẽ điều tra, thu thập thông tin về dân số và phân bố dân cư; tiếp cận cơ sở hạ tầng; kinh tế; nghèo đói, an sinh xã hội; văn hoá, xã hội; giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; y tế và vệ sinh môi trường nông thôn; cán bộ, đảng viên; di cư tự do; tôn giáo, tín ngưỡng; an ninh nông thôn.

Chu kỳ tiến hành điều tra 5 năm một lần, vào ngày 1/7 các năm có số cuối là 4 và 9. Lần thứ nhất điều tra vào quý I năm 2015. Kinh phí thực hiện cuộc điều tra do ngân sách trung ương cấp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Dân tộc theo dõi, giám sát, tiếp nhận và sử dụng thông tin, số liệu của cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số từ Tổng cục Thống kê.

Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan định kỳ của cuộc điều tra, rà soát, làm rõ những chỉ tiêu điều tra có thể khai thác từ số liệu của các cuộc tổng điều tra và các cuộc điều tra của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan hoặc đã có sẵn trong thông tin quản lý của các cấp, các ngành, những chỉ tiêu cần điều tra mới hoặc điều tra bổ sung làm cơ sở để xây dựng phương án, nội dung, kế hoạch và dự toán kinh phí của cuộc điều tra, thu thập thông tin trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức điều tra, thu thập thông tin và chuyển giao kết quả sản phẩm cho Ủy ban Dân tộc theo quy định.

Thực tế cho thấy việc thực hiện Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số là hết sức cấp thiết.

Hiện nay trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số chưa được điều tra một cách thống nhất, toàn diện dẫn đến việc thu thập, cung cấp thông tin cần thiết phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước về công tác dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu về dân tộc và công tác dân tộc không đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, thống nhất, nhiều khi thiếu chính xác…

Do vậy, Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số không chỉ hướng đến việc đánh giá trình độ phát triển của các dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung của cả nước, đồng thời còn đánh giá sự bình đẳng giữa các dân tộc. Từ đó làm tiền đề để xây dựng chính sách dân tộc góp phần khuyến khích, hỗ trợ để đồng bào dân tộc phát huy được nội lực, giảm bớt sự chênh lệch giữa trình độ phát triển của các dân tộc.

Công điện về tổ chức Lễ ra quân Năm ATGT 2015

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa có Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2015.

Nội dung Công điện như sau:

Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Nghị quyết số 87/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khoá XIII, các Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011, số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tiếp tục triển khai Năm An toàn giao thông 2015 với chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ngay từ tháng đầu, quý đầu, tạo tiền đề hoàn thành nhiệm vụ của năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai:

1. Tổ chức Lễ ra quân thực hiện nhiệm vụ Năm An toàn giao thông 2015 và đợt cao điểm Tết Nguyên đán Ất Mùi trước ngày 20/1/2015; Lễ ra quân phải thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

2. Tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2014 và xây dựng Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2015, xác định chỉ tiêu cụ thể giảm tai nạn giao thông và các giải pháp thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương nhằm kéo giảm từ 5% đến 10% số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2014 ở tất cả các địa phương; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; khắc phục tình trạng ùn ứ giao thông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

14 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 5) 14 di tích.

1. Di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

2. Di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

3. Di tích lịch sử Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

4. Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

5. Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La).

6. Di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

7. Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

8. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

9. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội).

10. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

11. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Phố Hiến (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).

12. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội).

13. Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội).

14. Di tích khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Tổ chức chiến dịch kiểm tra ATTP dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức chiến dịch thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2015 tập trung vào việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn nông, lâm sản và thủy sản.

Bộ Y tế chủ trì có giải pháp quản lý chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp xuất ăn sẵn, có giải pháp hiệu quả giảm ngộ độc thực phẩm tập thể.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kiểm tra, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực của địa phương; công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, doanh nghiệp biết; tập trung tổ chức tái kiểm tra các cơ sở xếp loại C và có biện pháp xử lý dứt điểm các cơ sở bị xếp loại C sau 2 lần kiểm tra.

Đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm ATTP trong phạm vi toàn quốc, trước mắt tập trung giải quyết vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương duy trì hoạt động kiểm soát thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và không để thực phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường; kiểm tra giám sát, bảo đảm ATTP trong sản xuất và kinh doanh rượu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các mô hình chợ an toàn trong phạm vi toàn quốc.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, phối hợp với các cơ quan chức năng thông tin kịp thời đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra về ATTP. Trong đó nêu rõ tên các cơ sở, sản phẩm không bảo đảm ATTP; các cơ sở sản phẩm bảo đảm ATTP.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường, công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm không bảo đảm ATTP.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tại địa phương, chú trọng tại các làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội triển khai bố trí thiết bị kiểm tra ATTP tại một số chợ, siêu thị để cung cấp dịch vụ kiểm tra nhanh theo phương thức xã hội hóa.

Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội Xuân 2015, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã đề ra kế hoạch cụ thể: Giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và trong thời gian diễn ra Lễ hội Xuân so với cùng kỳ năm 2014; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, phường bảo đảm số cơ sở được thanh, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân.

Thời gian triển khai kế hoạch từ 15/12/2014 đến hết 30/3/2015 trên phạm vi toàn quốc.

Xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (do Nhà nước đặt hàng).

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền thực hiện rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật thay thế định mức kinh tế-kỹ thuật đã lạc hậu (trong đó có định mức lao động) để đảm bảo phù hợp với tổ chức sản xuất, sự phát triển của khoa học, công nghệ, tiêu chuẩn lao động và chính sách tiền lương hiện hành; hoàn thành trước ngày 30/9/2015.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định về chi phí tiền lương trong đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích để đặt hàng, đầu thầu trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý III/2015.

Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định về chi phí tiền lương trong đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích để đặt hàng, đấu thầu, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn chi phí tiền lương đầu vào trong đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích đối với đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trên cơ sở hệ số lương cấp bậc bình quân trong định mức kinh tế kỹ thuật do các bộ ban hành, mức lương cơ sở và hệ số điều chỉnh tăng thêm phù hợp với mức tiền lương trên thị trường lao động ở từng vùng, đảm bảo nguyên tắc thống nhất chung trong tính toán chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích ở đầu vào.

Dành hơn 420 tỷ tặng quà tết cho người có công

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trình Chủ tịch nước về mức quà tặng cho các đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.

Mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành 2 loại: 400.000 đồng và 200.000 đồng.

Cụ thể, mức 400.000 đồng để tặng quà cho các đối tượng sau:

- Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

- Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

- Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng; thân nhân hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

- Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31/12/1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

- Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Mức quà 200.000 đồng được đề xuất tặng cho thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31/12/1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sỹ (bố, mẹ; vợ, chồng; con; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ); đại diện gia đình thờ cúng liệt sĩ (anh, em, người được họ tộc ủy nhiệm việc thờ cúng liệt sĩ); người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 là 423.518 triệu đồng. Khoản kinh phí này đã được bố trí trong Kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 2015./.

Nguồn: Văn phòng Chính phủ

PV

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư