e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ công bố ngày 10/4/2015

19:06 | 10/04/2015 Print
Xây dựng Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương theo hình thức BT; Hiện đại hóa hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai; Tuyên Quang cần phát huy thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững; Nghiên cứu sửa đổi quy định về bãi bỏ giấy phép vận chuyển thuốc BVTV; Tập trung chỉ đạo phòng chống thiên tai từng vùng sát với thực tế là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ công bố ngày 10/4/2015.

Xây dựng Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương theo hình thức BT

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT), không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện Dự án Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương tiếp thu ý kiến các Bộ, chịu trách nhiệm toàn diện làm rõ, quản lý chặt chẽ tài sản nhà nước sử dụng để hoàn vốn cho Hợp đồng BT, lựa chọn nhà đầu tư theo thẩm quyền và thực hiện theo quy định pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn UBND tỉnh Hải Dương thực hiện, bảo đảm chặt chẽ theo quy định pháp luật về đầu tư, về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các quy định liên quan.

Hiện đại hóa hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Dự án Hiện đại hóa hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai tại Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc vào Danh mục dự án sử dụng ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.

Dự án Hiện đại hóa hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai tại Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc nhằm nâng cao năng lực quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nói chung và Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc nói riêng thông qua hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật về quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn; đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật; tăng cường khả năng ứng phó thiên tai nhờ hệ thống giám sát thường xuyên.

Thời gian thực hiện Dự án là 36 tháng, tính từ khi hoàn tất các thủ tục phê duyệt Dự án.

Dự kiến mức vốn ODA không hoàn lại khoảng 3,97 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ (thông qua Tổng cục Khí tượng Hàn Quốc); vốn đối ứng khoảng 9,66 tỷ Đồng Việt Nam do cơ quan chủ quản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) bố trí.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi công hàm chính thức đề nghị Chính phủ Hàn Quốc cung cấp ODA không hoàn lại cho Dự án Hiện đại hóa hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai tại Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để bổ sung, hoàn chỉnh Dự án Hiện đại hóa hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai tại Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc.

Tuyên Quang cần phát huy thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững

Tỉnh Tuyên Quang cần phải phát huy thế mạnh và kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, chủ động, sáng tạo để phát triển nhanh và bền vững thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.

Theo đánh giá, qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2010 - 2015, kinh tế tỉnh Tuyên Quang tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 14% năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2014 thu ngân sách đạt khá, giá trị công nghiệp tăng 32%, xuất khẩu đạt 61,4 triệu USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn là tỉnh nghèo, điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tỉnh Tuyên Quang cần phải tiếp tục đổi mới nhận thức và tư duy trong mọi lĩnh vực, nhất là đổi mới tư duy về chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế phát huy tiềm năng lợi thế địa phương, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là trong giao thông, thủy lợi.

Đồng thời, tỉnh Tuyên Quang phải xác định một số sản phẩm chủ lực trên cơ sở các lợi thế so sánh để tập trung phát triển số lượng và chất lượng gắn với ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh liên kết kinh tế với các địa phương trong vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông liên kết du lịch dịch vụ.

Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh để huy động nguồn lực cho phát triển. Chú trọng xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, khuyến khích đổi mới công nghệ, tạo ra sản phảm có giá trị gia tăng cao.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn; đẩy mạnh giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội; phát triển du lịch dịch vụ gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, cách mạng và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh chính trị, an ninh tôn giáo và trật tự an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị cơ sở...

Nghiên cứu sửa đổi quy định về bãi bỏ giấy phép vận chuyển thuốc BVTV

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc bãi bỏ giấy phép vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ 2 giấy phép là giấy phép vận chuyển thuốc BVTV và giấy chứng nhận huấn luyện về an toàn lao động trong vận chuyển, bảo quản thuốc, nguyên liệu thuốc BVTV vì 3 lý do.

Thứ nhất, thuốc BVTV là loại hàng nguy hiểm nhưng là loại vật tư thông dụng, không thể thiếu đối với sản xuất nông nghiệp. Ở nước ta chưa có các doanh nghiệp chuyên vận chuyển hóa chất độc hại nên việc vận chuyển thuốc BVTV cũng theo phương thức như hàng hóa khác. Tiêu dùng thuốc BVTV vẫn ở dạng nhỏ lẻ, vận chuyển ít chưa đến mức độ nhiều. Khi có nhu cầu vận chuyển, chủ hàng thuê phương tiện theo hợp đồng từng chuyến, do vậy việc thực hiện tập huấn cấp chứng chỉ cho người lái xe rất khó khăn.

Thứ hai, theo quy định của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì các thuốc BVTV thuộc nhóm độc I, II là không được phép đăng ký. Do vậy, các loại thuốc đặc biệt độc hại, nguy hiểm không được phép đăng ký và sử dụng tại Việt Nam. Do đó, không có quá trình vận chuyển, lưu thông.

Thứ ba, bao bì thuốc BVTV cũng chắc chắn, đảm bảo quy định, công nghệ đóng gói bảo đảm theo quy chuẩn quốc tế nên trong quá trình vận chuyển ít gây ra rò rỉ, vỡ bục và không cần đến xe chuyên dụng.

Hai giấy phép trên quy định tại Nghị định số 109/2006/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đường sắt và Nghị định số 104/2009/NĐ-CP quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất bãi bỏ hai giấy phép trên.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu đề xuất trên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; rà soát sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan, trình Chính phủ xem xét theo quy định, nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép vận chuyển thuốc BVTV cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tập trung chỉ đạo phòng chống thiên tai từng vùng sát với thực tế

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2014, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các Bộ, ngành liên quan và địa phương khẩn trương kiện toàn, củng cố cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai. Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai và các địa phương rà soát, xác định cụ thể những loại hình thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn, các giải pháp ứng phó với các hình thái thiên tai hiện nay, trên cơ sở đó Ban chỉ đạo trung ương tổng hợp, có giải pháp ứng phó tổng thể và tập trung chỉ đạo đối với từng vùng sát với thực tế.

Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, nhất là đối với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm chủ động ứng phó với tình hình khô hạn.

Đồng thời kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống lụt, bão, chỉ đạo tu sửa, khắc phục kịp thời các sự cố để chủ động đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa nước, trên cơ sở đó quyết định cụ thể các hồ được phép tích nước, mức độ tích nước để đảm bảo an toàn.

Xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão

Phó Thủ tướng giao Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; trên cơ sở phương án của các địa phương và các Bộ liên quan, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai xây dựng phương án ứng phó chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2015.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn nhà an toàn theo các cấp bão làm cơ sở để các địa phương cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão, phù hợp với các vùng miền.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đầu tư, triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai, sự cố; áp dụng các biện pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để từng thôn, bản, từng người dân nắm được thông tin về thiên tai nhằm chủ động phòng ngừa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn báo cáo Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí vốn để đẩy mạnh thực hiện các chương trình củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, sửa chữa đảm bảo an toàn hồ chứa, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần, hệ thống giám sát thông tin hồ chứa, di dời dân cư ra khỏi vùng thiên tai.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương rà soát lại cung, cầu cân bằng nước tại từng vùng, từng địa phương để xác định các vùng thiếu nước cần phải đầu tư mang tính chiến lược, cấp bách để đảm bảo cân bằng nước./.

PV

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư