e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Xây dựng Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

16:13 | 21/12/2016 Print
- Nhằm nhân rộng việc áp dụng Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu ra các tỉnh, thành phố trong cả nước, ngày 19/12/2016, Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) phối hợp với Quỹ Rockefeller, Quỹ châu Á, Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội phối hợp tổ chức Hội thảo Tham vấn Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam (VN-CRI) và kết quả áp dụng thí điểm tại 5 đô thị tại Hà Nội.

Bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo

Theo Cục Phát triển đô thị, Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020" đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2623/QĐ-TTg. Dự án Xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam là một trong những nội dung của đề án này.

Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam được xây dựng để đánh giá và thúc đẩy khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của địa phương. Bộ chỉ số này được xây dựng dựa trên khung khả năng chống chịu đô thị của URUP bao gồm 4 lĩnh vực là Sức khỏe và phúc lợi, kinh tế và xã hội, hạ tầng và môi trường, sự lãnh đạo và chiến lược; 12 mục tiêu gồm: hạn chế tối thiểu tính dễ bị tổn thương của con người, sinh kế và cơ hội việc làm đa dạng, bảo vệ sức khỏe và tính mạng, xây dựng bản sắc cộng đồng và tương trợ lẫn nhau, tăng cường an ninh và pháp quyền, xây dựng nền kinh tế bền vững, giảm thiểu phơi nhiễm với hiểm họa, cung cấp các dịch vụ thiết yếu đến mọi đối tượng, xây dựng hệ thống giao thông và thông tin liên lạc tin cậy, tăng cường hiệu quả lãnh đạo và quản lý, nâng cao quyền của các bên liên quan, lập kế hoạch phát triển có tính lồng ghép; và 52 chỉ số liên quan.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Michael DiGregorio, trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2006-2011, Việt Nam có 57 phường đô thị trở thành trung tâm đô thị, 333 xã ven đô trở thành xã/phường đô thị, 2.989 xã nông thôn ven đô. Việc đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra một không gian dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Đặc biệt là những đô thị ven biển đang ngày càng bộc lộ sự mất cân đối, khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên ven biển, cùng với đó là mật độ xây dựng quá cao ở các khu vực thấp ven biển gây tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên… Những yếu tố này đã làm cho quá trình biến đổi khí hậu diễn ra ngày một nhanh, biểu hiện đó là tình trạng mực nước biển dâng ngày một nhanh, nhiệt độ trung bình tăng lên, các trận mưa lớn kéo dài tại khu vực miền Trung, bão có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam, số lượng bão độ bộ vào Việt Nam ngày một tăng lên…

Đứng trước những nguy cơ trên, theo các chuyên gia tham dự hội thảo, việc ứng dụng bộ chỉ số này sẽ hỗ trợ các cơ quan chính quyền cấp địa phương và Trung ương nâng cao hiệu biết, đánh giá, giám sát và tăng cường khả năng phục hồi biến đổi khí hậu. Bởi bộ chỉ số này được xây dựng dựa trên 4 chỉ tiêu phản ánh đầy đủ các mặt của kinh tế và xã hội là sức khỏe và phúc lợi; kinh tế và xã hội; hạ tầng và môi trường; lãnh đạo và chiến lược. Hơn nữa, bằng cách tích hợp các chỉ số với các quy định pháp quy đã ban hành của Bộ Xây dựng, việc áp dụng bộ chỉ số này sẽ khuyến khích các cơ quan địa phương lồng ghép nội dung phục hồi biến đổi khí hậu vào quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.

Đánh giá cao sự công phu của Bộ chỉ số, ông Đỗ Viết Chiến nguyên Cục trưởng Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị cho rằng đây là bộ chỉ số có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về lĩnh vực biến đối khí hậu đối với các đô thị (4 lĩnh vực, 12 mục tiêu và 156 biến số). Tuy nhiên, theo ông Chiến, đây cũng là những bất cập của bộ chỉ số, bởi việc có quá nhiều các chỉ số khiến việc áp dụng rất phức tạp, đây cũng là lý do khiến các địa phương không hào hứng trong việc áp dụng bộ chỉ số này, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang “chạy đua” trong vấn đề nâng cấp đô thị.

Chính vì vậy, để nhân rộng việc áp dụng bộ chỉ số tại các địa phương đúng như mục tiêu đề ra thì, cần đơn giản hóa các chỉ số làm sao để các địa phương tiếp cận 1 cách nhanh nhất bộ chỉ số này. Cùng với đó, trong thời gian tới, cần rút kinh nghiệm từ việc áp dụng thí điểm tại 5 đô thị là Cà Mau, Hội An (Quảng Nam), Gia Nghĩa (Đăk Nông), Cẩm Phả (Quảng Ninh) và Lào Cai để xem xét chỉ số nào cần, không cần để có một bộ chỉ số hoàn chỉnh từ đó có thể nhân rộng sang các địa phương khác. Bởi chiếu theo mục tiêu đặt ra của Quyết định số 2623/QĐ-TTg, ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020” thì chưa đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, ông Chiến cũng cho rằng, trước khi hoàn chỉnh bộ chỉ số này, để thực hiện được đúng yêu cầu của Quyết định 2623/QĐ-TTg, trong thời gian tới, việc đầu tiên phải làm ngay cả khi chưa có bộ chỉ số là các địa phương phải lập bản đồ thực trạng về cảnh báo nguy cơ của biến đổi khí hậu, xác định các vùng để cấm, hạn chế xây dựng… để lồng ghép vào quy hoạch của các địa phương. Tiếp đến các địa phương phải có một đầu mối để phối hợp thực hiện với các cơ quan Trung ương trong việc áp dụng bộ chỉ số này./.

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư