e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Sửa đổi Luật Đầu tư công phù hợp với đặc thù của nguồn vốn vay nước ngoài

23:06 | 06/07/2018 Print
- Đó là đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát “Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016” , chiều 05/07.

Thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam cho biết, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc/ Ảnh: daibieunhandan.vn

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi có vị trí quan trọng đối với quá trình đầu tư phát triển của nước ta.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, việc sử dụng ODA và vay ưu đãi thời gian qua đã góp phần quan trọng trong phát triển hệ thống hạ tầng, an sinh xã hội, tác động thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới.

Nguồn vốn này đã tạo việc làm, tạo ra nguồn ngoại tệ quan trọng cho trả nợ, bù đắp bội chi ngân sách nhà nước trong điều kiện thị trường trái phiếu chính phủ trong nước chưa phát triển, trái phiếu Chính phủ ở thị trường quốc tế nhiều rủi ro.

Sử dụng ODA và vay ưu đãi cũng khuyến khích tiết kiệm trong nước, đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn, khơi thông các nguồn lực tiềm năng của nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng và công nghiệp, môi trường, nông nghiệp và nông thôn, y tế - xã hội, khoa học và công nghệ.

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cũng cho biết, thống kê từ các báo cáo hoàn thành dự án và báo cáo kiểm toán do các nhà tài trợ thực hiện, thì đến năm 2014, số lượng dự án thành công của nước ta chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dự án vay vốn nước ngoài.

Đối với việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, trong giai đoạn giám sát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý về vốn vay nước ngoài, vốn vay ưu đãi.

Trong giai đoạn này, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chiến lược, chính sách, pháp luật liên quan. Bộ nhận thấy, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài, vốn vay ưu đãi đã được ban hành kịp thời, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi cao.

Để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn này trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan theo nguyên tắc đồng bộ, nhất quán, tránh chồng chéo, trong đó chú ý tinh giản quy trình thủ tục.

Bộ cũng kiến nghị, tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công hiện hành, nhất là những quy định liên quan, để phù hợp với đặc thù của nguồn vốn vay nước ngoài.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, thời gian qua, giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 luôn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Trong giai đoạn 2011-2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vai trò quan trọng với việc quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài, vì là cơ quan đầu mối quản lý Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác này.

Trong khi đó, công tác đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 được triển khai nhằm tạo cơ sở chuẩn bị cho giai đoạn hiện nay, khi mà mức độ ưu đãi giảm đi, yêu cầu với sử dụng vốn vay cao hơn.

Do đó, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chú ý liên hệ giữa những khó khăn, tồn tại phát sinh trong giai đoạn giám sát, với tình hình hiện nay (các nguồn vốn đều phải nằm trong dự toán, được phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn), nhằm đưa ra giải pháp phù hợp cho thời gian tới.

Kết quả giám sát sẽ được đoàn tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới. Đoàn sẽ tiếp tục tăng cường giám sát sâu, rộng hơn nữa. Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có những điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài trong giai đoạn tới./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư