e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

“Bỡ ngỡ” như… khen thưởng học sinh tiểu học

08:24 | 16/01/2015 Print
- Quyết định bỏ cách đánh giá học sinh giỏi, tiên tiến... thay bằng đánh giá về năng lực, phẩm chất của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến cho phụ huynh, học sinh... thậm chí là các giáo viên không khỏi… bỡ ngỡ.

Việc khen thưởng học sinh tiểu học theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gây sự xáo trộn không nhỏ

Có sự đánh giá khác nhau giữa các trường

Việc khen thưởng học sinh cuối học kì I và cuối năm học về một trong ba nội dung đánh giá (Theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT) trở lên, như: Khen thưởng về các môn học, Khen thưởng về năng lực, phẩm chất. Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định.

Nếu như trước đây, việc ghi vào giấy khen phụ thuộc vào kết quả học tập (học lực) là chính thì giờ đây, việc ghi vào giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn. Điều này đã nảy sinh nhiều vấn đề trong cách đánh giá và lựa chọn cách đánh giá của các giáo viên và các trường.

Cụ thể, có trường khen tặng cho học sinh theo các nội dung tương ứng là: “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của học sinh”; “Hoàn thành tốt nhiệm vụ của học sinh” hay “Hoàn thành nhiệm vụ của học sinh”. Hiểu nôm na như trước đây, xuất sắc tương đương với điểm 9,10; tốt tương đương với 7,8; hoàn thành không thôi thì tương đương với 5,6.

Trong khi có trường ghi vào giấy khen theo các mức: Đạt danh hiệu “xuất sắc toàn diện”, xuất sắc môn Toán”, “xuất sắc môn Tiếng Việt”, có nghĩa nếu học sinh đạt hết cả ba mặt kiến thức, kĩ năng; năng lực; phẩm chất sẽ được khen xuất sắc toàn diện, còn chỉ nổi bật một trong ba môn thì sẽ khen ở môn giỏi nhất.

Điều này sẽ dẫn đến việc hai học sinh có lực học như nhau, nhưng ở hai trường khác nhau sẽ có Giấy khen được ghi khác nhau, tùy thuộc vào quy định của Hiệu trưởng trường đó.

Từ đó, việc thống kê sự phát triển nhận thức của học sinh ở tầm vĩ mô sẽ gặp nhiều khó khăn vì không có sự thống nhất trong cách đánh giá, khen thưởng.

Phụ huynh hoang mang, giáo viên thêm “việc”

Bản chất của việc bỏ cách thức đánh giá, khen thưởng học sinh về học lực là để giảm thiểu áp lực học hành đối với các em học sinh tiểu học. Đồng thời, với việc giáo viên, nhà trường sẽ chọn khen những mặt tốt của học sinh trên các phương diện học lực, phẩm chất, năng khiếu sẽ tạo động lực, khuyến khích các em nỗ lực hơn trong học tập.

Một học sinh không giỏi, không có nhiều năng lực nổi trội, nhưng có những phẩm chất tốt, như: hay giúp đỡ mọi người, tương thân tương ái, nhặt được của rơi trả người đánh mất… cũng sẽ được giấy khen; học sinh học không giỏi, nhưng nổi bật về một môn năng khiếu (nhạc, họa...) cũng sẽ được giấy khen... Điều này sẽ giúp các em nhận biết được điểm tốt của mình, tự tin hơn trong học tập.

Song, sự thay đổi này khiến không ít phụ huynh hoang mang vì nếu bỏ chấm điểm, thì sẽ rất khó xác định sự tiến bộ của con trong nhận thức. Đồng thời, với việc phải đánh giá rất nhiều học sinh “bằng lời” thì độ chính xác của việc đánh giá đó đến đâu?

Hơn nữa, với lời nhận xét đạt và chưa đạt hoặc hoàn thành hay chưa hoàn thành, phụ huynh sẽ không khỏi thắc mắc bởi chỉ biết con em mình đạt chứ không biết đạt ở mức độ nào, để có hướng khắc phục.

Trong khi đó, các giáo viên ở các trường tiểu học sẽ phải “vất vả” hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, việc đánh giá, hầu như chỉ thông qua điểm số, thì nay, các cô phải dành nhiều thời gian để nhận xét bằng chữ viết.

Quá trình nhận xét với mỗi học sinh sẽ phải lựa chọn ngôn ngữ thích hợp và ít nhất phải một vài dòng để làm sao phản ánh đúng chất lượng, năng lực của các em.

Thậm chí, giáo viên cũng gặp phải khó khăn khi không được dùng trực tiếp những từ ngữ nêu ra khuyết điểm của học trò, làm tổn thương các em mà phải nhận xét theo hướng động viên khuyến khích. Nhưng, nếu không chỉ ra điểm yếu một cách rõ ràng, thì những lời nhận xét kiểu: “Con cần cố gắng…, Con có tiến bộ…” dần đi vào lối mòn và rất chung chung. Mặt khác, với học sinh đã học tốt rồi mà nhận xét nào cũng khen nhiều khi lại trùng lặp.

Có thể nói, theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trách nhiệm đánh giá học sinh dồn phần lớn cho giáo viên trực tiếp giảng dạy khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo ngại nếu giáo viên không phải là người công tâm và khách quan.

Đánh giá học trò đòi hỏi sự sát sao và kiên nhẫn, nhưng nếu nhìn vào thực tế một lớp trung bình khoảng 35-40 học sinh, ngày nào, tháng nào giáo viên cũng phải ghi nhận xét cho từng em, nếu thực hiện chu đáo, thì mất khá nhiều thời gian và sẽ thực sự là áp lực đối với giáo viên./.

Loan Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư