e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Thị trường - Doanh nghiệp

Giảm thiểu tác động môi trường - hướng tới thương hiệu xanh

14:56 | 11/11/2014 Print
- Trên công trường Núi Pháo vào một ngày cuối thu, nắng vẫn chói chang, toả hơi nóng khắc nghiệt xuống vùng Dự án, nhưng trên công trường, những người thợ mỏ vẫn hăng say sản xuất để xây dựng vùng mỏ trở thành một hình mẫu tiên tiến nhất Việt Nam, đem lại lợi ích tối đa cho Nhà nước, Nhà đầu tư và cộng đồng địa phương…

Sau 4 năm Tập đoàn Masan tiếp quản Dự án, vượt lên mọi khó khăn, thách thức của giai đoạn tái khởi động, tới nay, NPM đã hiện thực hoá tầm nhìn, cơ bản hoàn thành công tác xây dựng mỏ lộ thiên và Nhà máy chế biến khoáng sản mang tầm cỡ thế giới, gia tăng sản xuất, xuất khẩu hàng hoá, bảo đảm an toàn lao động, duy trì các tác động môi trường ở mức an toàn cao và tiếp tục công tác hỗ trợ cộng đồng. Đến nay, mỏ Núi Pháo đã xuất xưởng đủ cả 4 dòng sản phẩm chính: sản phẩm giá trị gia tăng volfram, tinh quặng florit, bismut và đồng; đồng thời đang tiếp tục xây dựng nhà máy APT để nâng hiệu quả chế biến volfram lên khoảng trên 80%, tăng giá trị thương phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong năm 2013, Núi Pháo vinh dự được là một trong 10 doanh nghiệp của tỉnh đón nhận Danh hiệu doanh nghiệp xuất sắc của tỉnh Thái Nguyên, đóng góp cho ngân sách Nhà nước 378,5 tỷ đồng (cao nhất tỉnh Thái Nguyên), tạo việc làm cho gần 2.000 lao động. Với việc lắp đặt các thiết bị tiên tiến, đảm bảo an toàn lao động và giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, 4 năm qua, Núi Pháo đã triển khai 19 triệu giờ công an toàn, có thể nói đây là chỉ số an toàn cao nhất Việt Nam nói riêng và ngành Khai khoáng nói chung.

Với tầm nhìn chiến lược của chủ đầu tư: các hoạt động sản xuất phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường (BVMT), Núi Pháo không chỉ triển khai nhanh các công trình khai khoáng, nhà máy chế biến mà còn quan tâm xây dựng các công trình phụ trợ, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải và hồ chứa quặng đuôi. Phó trưởng Giám sát môi trường Nguyễn Tuấn Bình cho biết: Công ty được Bộ TN&MT cấp giấy phép số 927/GP-BTNMT được phép xả nước thải vào nguồn nước và đã hoàn thành thi công thác làm thoáng nước thải tại khu đập OTC (nước được bơm lên đỉnh thác ở độ cao khoảng 20m) nhằm tăng khả năng trao đổi oxy và phân hủy các chất hữu cơ có trong nước thải. Đồng thời nhằm cải thiện chất lượng nước thải, công ty còn sử dụng sản phẩm xử lý nước thải của Công ty BASF (Đức) được bơm định lượng trực tiếp vào nước thải trên tháp làm thoáng cũng như lắp đặt hệ thống lọc nước thải bằng than hoạt tính để xử lý mùi trước khi xả ra ngoài môi trường. Khi tiến hành xả nước thải vào nguồn nước, Núi Pháo luôn gửi tới cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bản kế hoạch xả nước thải (thời gian, lưu lượng) cũng như các kết quả quan trắc nước thải hàng tháng.

Để chứa quặng đuôi trong quá trình tuyển, Công ty xây dựng 02 hồ chứa OTC và STC. Khoảng 85% nước thải từ các hồ này được bơm tuần hoàn về Nhà máy chế biến để tái sử dụng, số còn lại được xử lý đạt tiêu chuẩn QCVN40-2011/BTNMT mới xả ra môi trường. Hiện tại, Núi Pháo đang thi công giai đoạn 2 hệ thống đập chứa quặng đuôi; việc thi công đập được chia thành nhiều giai đoạn, trải dài theo suốt vòng đời của mỏ (khoảng 20 năm). Giám đốc điều hành Nhà máy, ông Craig Bradshaw cho biết: Việc thiết kế, thi công đập tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm đúc rút từ các mỏ tiên tiến trên thế giới. Chất lượng kỹ thuật do những chuyên gia hàng đầu giám sát để đập đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể chịu đựng được những trận bão lịch sử hàng trăm năm mới xảy ra một lần và các trận động đất lên đến 7,4 richte.

Để giảm thiểu bụi và tiếng ồn, Núi Pháo thường xuyên tiến hành quan trắc, đầu tư đồng bộ các máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế; lắp đặt hệ thống phun mưa, phun sương, lưới chắn bụi, cải tiến hệ thống nghiền, trồng cây và thường xuyên tưới nước trên các tuyến đường vận chuyển. Quan tâm phòng chống xói mòn, sạt lở; tăng cường phủ xanh, trải lưới đay, trồng cây/cỏ tại các vị trí xung yếu, đưa tổng diện tích đã được phục hồi môi trường lên 39,2 ha.

Bên cạnh đó, Núi Pháo đã tích cực triển khai chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho khu vực hoạt động của mỏ. Tính đến nay diện tích rừng được trồng đã đạt trên 50ha. Hoạt động này thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ môi trường sinh thái của NPM trong khu vực hoạt động của dự án.

Với các hoạt động này, đặc biệt là việc Công ty hết sức chú tâm vào nghiên cứu, xử lý kịp thời và hợp lý các kiến nghị của các hộ dân địa phương liên quan tới công tác BVMT, nên đến nay thấy ít hẳn những lời ca thán, bức xức thường gặp ở nhiều công trình; mà thay vào đó là sự cảm thông, chỉa sẻ của các hộ dân với một Công ty khai khoáng của Việt Nam có tầm nhìn chiến lược. Ông Trần Xuân Lợi, ở xóm 6- xã Hà Thượng nói: “Khi Nhà máy mới đi vào sản xuất, người dân rất băn khoăn lo lắng về khói bi, tiếng ồn và mùi khó ngửi… Qua những lần giao ban, đối thoại, nghe dân góp ý, Công ty đã chú trọng hơn tới công tác môi trường, nên bây giờ tiếng ồn, khói bụi, mùi khó ngửi từ nước xả thải đã giảm hẳn”.

Bà Nguyễn Thị Tường, trưởng xóm 4, xã Hà Thượng và bà Nguyễn Thị Lệ Hòa, Trưởng Ban Mặt trận xóm 4 xã Hà Thượng cho biết: “Nhà chúng tôi ở trước cổng Nhà máy nên mọi hoạt động ở đây đều tác động đến chúng tôi cả về nghe, nhìn, ngửi… Ngày mới đi vào hoạt động, có nhiều tiếng ồn từ Nhà máy, nhưng nay hiện tượng này đã giảm hẳn so với trước đây. Nhà máy đã đầu tư các thiết bị để giảm thiểu tiếng ồn. Bụi cũng giảm nhiều do được chăng lưới, đưa nước vào các trạm nghiền khô. Nước xả thải từ Nhà máy ra môi trường đã có công trình xử lý nên trong hơn, không gây mùi khó chịu như trước. Đặc biệt, Công ty chủ động tổ chức họp giao ban hàng tuần với các xóm quanh khu vực dự án để nắm bắt các băn khoăn, ý kiến đề nghị của dân, từ đó có cách tháo gỡ, áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường. Ngoài ra, Công ty còn có chính sách hỗ trợ tiền tạm cư cho các hộ sống gần khu nhà máy với mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Nhà nước trong khi chưa bố trí tái định cư.

Ông Chu Văn Tuất, Bí thư Đảng uỷ xã Hà Thượng cho rằng: Mỏ Núi Pháo là dự án lớn, thu hồi đất tại địa phương tương đối nhiều và di chuyển hơn 1.200 hộ dân. Hiện Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho địa phương và Nhà nước, tạo cho người dân có thu nhập, di chuyển đến các vị trí mới thuận lợi… đảm bảo an sinh xã hội. Công ty còn hỗ trợ địa phương xây dựng các cơ sở hạ tầng như: phòng học cho con trẻ, Nhà văn hoá xóm, giải quyết việc làm cho dân, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng để bà con sớm an cư lạc nghiệp. Thời gian mới đi vào hoạt động, các công trình BVMT ở mỏ chưa đồng bộ nên việc xử lý môi trường chưa đáp ứng kịp thời ít nhiều gây bức xức trong nhân dân. Với sự giám sát của địa phương, người dân và sự chỉ đạo của các Sở ban ngành của tỉnh Thái Nguyên, Núi Pháo đã từng bước khắc phục và đã có những chuyển biến rõ rệt. Ông Tuất cũng thừa nhận là gần đây không thấy kiến nghị của dân về vấn đề môi trường của công ty Núi Pháo. Ông Tuất cũng đề nghị Công ty tiếp tục phối hợp với địa phương giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, mang lại niềm tin trong các hộ dân.

Dự án Núi Pháo đang phát huy hiệu quả, tạo lập trên vùng đất chiến khu xưa một mô hình khai khoáng, chế biến với công nghệ tiên tiến, một môi trường mỏ thân thiện với môi trường thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ môi trường sinh thái của NPM trong khu vực khai thác, đem lại lợi ích lớn cho cả ba chủ thể: Nhà nước - Nhà đầu tư và người dân trong vùng dự án!


PV

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư