e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Thị trường - Doanh nghiệp

Hiện thực ước mơ xây trường cho học sinh Lũng Lìu, Cao Bằng

22:26 | 18/05/2016 Print
- Có một ngôi trường khang trang, sạch đẹp, với điều kiện dạy và học tốt hơn đã là giấc mơ từ lâu của các em học sinh, thầy cô giáo Trường tiểu học Lũng Lìu, Cao Bằng. Giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực nhờ sự tài trợ của Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam.

Sáng ngày 17/05/2016, tại trường Tiểu học Lũng Lìu, xã Dân Chủ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ khánh thành công trình xây dựng Trường Tiểu học Lũng Lìu.

Từ nỗ lực vượt khó trên chặng đường tìm cái chữ

Lũng Lìu là một xóm vùng cao, cuộc sống bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, diện tích canh tác đá nhiều hơn đất vì vậy, đa số bà con ở đây đều thuộc hộ nghèo. Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, mà ngay cả giáo viên cũng gặp không ít khó khăn, không có điện, thiếu nước sinh hoạt, đường đi lại khó khăn nhưng các thầy cô giáo đã chống chọi với thiên nhiên, hoàn cảnh để bám trụ với sự nghiệp trồng người ở nơi này.

Thầy Hoàng Văn Định, Hiệu trưởng Trường cho biết: “Khó khăn cản bước các em học sinh đến trường thì các thầy cô giáo cũng đối mặt với nhiều thách thức như nước phải thực sự chắt chiu, tiết kiệm cho sinh hoạt, nấu nướng hàng ngày. Quần áo mặc xong gom lại để cuối tuần xuống núi về nhà giặt một thể”. Khó khăn là vậy, nhưng vì sự nghiệp trồng người đã giúp cho các thầy cô giáo vượt qua mọi khó khăn, gian nan vất vả. Mỗi buổi tan trường các em lại tỏa về nhà qua khắp các ngả theo đường mòn lối nhỏ. Cuối tuần cũng là dịp các thầy cô giáo lại xuống núi đoàn tụ gia đình.

Hiện nay Trường có 6 lớp học cho cả học sinh mẫu giáo và tiểu học (1 lớp học ghép cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi; 5 lớp học cho trẻ em từ lớp 1-5), số học sinh cả hai cấp dao động từ 60 đến 120 học sinh. Trường đáp ứng nhu cầu học tập cho trẻ em của 03 xóm lân cận Lũng Lìu, Lũng Lạ và Canh Tao. Tất cả lớp học đều là tạm bợ ghép bằng tranh tre, nứa lá do bà con nhân dân góp vật liệu và dựng lên từ 25 năm về trước. Trường lớp chưa có gì thay đổi so với trước, lớp học vẫn nền đất gồ ghề, vách đất, mái nhà hở hoác, cột kèo xiêu vẹo bằng cây rừng sau nhiều năm sử dụng nay đã xuống cấp và được các thầy cô giáo, phụ huynh sửa chữa, thay thế các cột bị hỏng, bưng đóng ván hoặc rào bằng cây que, lấy bạt để che chắn những chỗ bị thủng, bị tốc, đây cũng là cách mà phụ huynh và các thầy cô giáo khắc phục để tránh gió mùa qua khe ván, lỗ thủng, cái lạnh cắt da cắt thịt.

Điều khó khăn nhất là con đường tới Trường không phương tiện nào có thể đi lại được ngoại trừ đi bộ, leo đồi núi. Trường chưa có nhà nội trú nên các em học sinh phải đi-về hàng ngày. Nhiều em nhà xa trường 4 km phải đi bộ, leo đồi núi hơn 2 giờ đồng hồ, rất khó khăn. Trường chưa có điện, nước và các công trình phụ trợ khác như khu vệ sinh, bếp ăn…

Thầy Hoàng Văn Định cho biết, đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp sau khi biết thông tin về Trường đã lên khảo sát, thiết kế, nhưng do điều kiện đi lại, vận chuyển vật liệu quá khó khăn, không điện, không nước, nên vẫn không có đơn vị, doanh nghiệp nào hỗ trợ xây dựng Trường, cho đến khi Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đến thăm và khảo sát Trường.

Trường Tiểu học Lũng Lìu đơn sơ, tạm bợ trước khi được xây dựng

Đến quyết tâm biến giấc mơ xây trường thành hiện thực

Sau khi nhận được thông tin nhu cầu cần hỗ trợ từ phóng sự phát trên HTV9 tháng 12/2014, ngày 24-25/04/2015, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam tỉnh Cao Bằng, UBND huyện Hòa An, UBND xã Dân Chủ và Công ty CP Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng UNICO Việt Nam đã khảo sát thực tế tại trường Tiểu học Lũng Lìu.

Sau khi khảo sát thực tế, trước nhu cầu cấp thiết đó, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã vận động Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đồng ý tài trợ xây dựng Trường học và các công trình phụ trợ với kinh phí 4,6 tỷ đồng.

Có thể thấy, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam là đơn vị đầu tiên và duy nhất đã biến giấc mơ có một ngôi trường khang trang, sạch đẹp, với điều kiện dạy và học tốt hơn của các em học sinh, thầy cô giáo Trường Lũng Lìu và nhân dân nơi đây thành hiện thực.

Cùng với nguồn tài trợ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, đóng góp của nhân dân, địa phương hỗ trợ cho Trường và trẻ em của Trường với tổng kinh phí đầu tư gần 5 tỷ đồng cho tổng diện tích xây dựng hơn 700m2 với các hạng mục cụ thể: 06 phòng học, 01 phòng thực nghiệm, 01 phòng thư viện, 01 phòng chờ giáo viên, 04 phòng vệ sinh, 02 bể chứa nước mưa, kè đá, tường bao quanh, sân bê tông…

Công trình khởi công vào ngày 20/11/2015 và khánh thành vào ngày 17/05/2016 đảm bảo mỹ thuật, chất lượng tốt. Đây là một công trình xây dựng vô cùng đặc biệt bởi mọi nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, đến cả nước dùng cho xây dựng cũng phải dùng sức người mang, vác trực tiếp. Với quyết tâm, nỗ lực của đơn vị thầu xây dựng là Công ty CP Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng UNICO Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân địa phương, các cấp chính quyền tỉnh Cao Bằng, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ 60 ngày.

Với sự tài trợ, công trình sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu của Trường và giúp cho trên 100 trẻ em mỗi năm được đến trường học tập trong môi trường an toàn và điều kiện tốt hơn. Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam bàn giao công trình cho Trường, các cơ quan liên quan của địa phương đưa vào sử dụng đúng mục đích và duy trì hoạt động, quản lý tốt trong tương lai./.

Hỗ trợ xây dựng lớp học, trường học, nhà nội trú là một trong những chương trình trọng tâm được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam chú trọng và đầu tư. Năm 2015, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa lớp học, trường học, nhà nội trú cho trẻ em trên toàn quốc với tổng kinh phí 26,5 tỷ đồng. Hơn 24 năm qua, từ khi thành lập đến nay, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam các cấp đã vận động được trên 5.000 tỷ đồng, giúp trên 30 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ tập trung vào 4 nhóm Quyền trẻ em theo Công ước Quyền trẻ em đó là: Quyền được sống, Quyền được phát triển, Quyền được bảo vệ và Quyền được tham gia.

Loan Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư