e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Phải tư duy đột phá để có hành động đột phá”

10:40 | 11/08/2017 Print
- Phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, ngày 10/08/2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phải tư duy đột phá để có hành động đột phá và cuối cùng là kết quả đột phá.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phải tư duy đột phá để có hành động đột phá và cuối cùng là kết quả đột phá

Nhiều bộ luật quan trọng mang tính đột phá đã được ban hành

Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam hiện đang hoàn thiện các chương trình hành động, ban hành, sửa đổi cơ chế, chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xử lý nợ xấu... đặc biệt, là chương trình hành động để thực hiện 3 nghị quyết quan trọng Đảng về phát triển thể chế kinh tế thị trường; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; và phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Theo Ban tổ chức Diễn đàn M&A 2017, trong 10 năm qua, khối ngoại luôn là “khách hàng chiến lược” lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam. Phần lớn thương vụ tỷ USD được thực hiện với sự góp mặt của các nhà đầu tư quốc tế. Qua các thương vụ M&A chất lượng, khối ngoại không chỉ mang lại nguồn vốn lớn cho thị trường, mà còn mang về cho đối tác nội công nghệ, kiến thức quản lý và thị trường. Đây là “bàn đạp” để doanh nghiệp trong nước bước ra thị trường thế giới.

Trong bối cảnh như vậy, Bộ trưởng tin tưởng rằng, Diễn đàn M&A lần này sẽ là dịp để tất cả chúng ta cùng tư duy, suy nghĩ, thảo luận và tìm ra các yếu tố đột phá về cơ chế, chính sách, về dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như nhận diện những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và dư địa cho hoạt động M&A.

“Có tư duy đột phá để có hành động đột phá và cuối cùng là kết quả đột phá”, Bộ trưởng mạnh mẽ.

Về phía Chính phủ, sự đột phá trong tư duy và hành động đang diễn ra mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược về: (i) hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; (ii) phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; và (iii) xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Nhu cầu đầu tư, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng, là rất lớn và gia tăng nhanh chóng. Đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, bến cảng... đều đang trong giai đoạn đầu phát triển.Yêu cầu mở rộng và phát triển mạng lưới hạ tầng đang trở nên cấp bách để kết nối kinh tế Việt Nam với kinh tế khu vực và thế giới.

“Ngoài vốn đầu tư nhà nước, thì đối tác công tư (PPP) được xem là phương thức phổ biến để huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Đây là một lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có cơ hội đầu tư và cũng là mong muốn của Chính phủ Việt nam đối với nhà đầu tư và đối tác phát triển nước ngoài”, Bộ trưởng phát biểu.

Nhiều bộ luật quan trọng mang tính đột phá đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng, thông qua. Trong đó, phải nói đến Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tháng 6 năm 2017 vừa qua và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018; dự thảo Luật Quy hoạch, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm 2017.

Đối với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quy tắc thị trường được tôn trọng, theo đó việc hỗ trợ được thực hiện thông qua tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ trên nền tảng khung pháp lý khuyến khích, huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để hình thành ba đơn vị hành chính, kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) với những thể chế vượt trội, tiên tiến so với trong nước và cạnh tranh so với quốc tế; hình thành nên các khu vực tăng trưởng cao làm động lực và tạo sức lan tỏa góp phần vào sự phát triển của đất nước; tạo nên một sân chơi mới với các luật chơi mới thông thoáng, để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thỏa sức sáng tạo, thỏa sức phát triển.

Luật Quy hoạch tạo sự đổi mới toàn diện về công tác quy hoạch; góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ; tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Những yếu tố nói trên sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, sẽ là một sân chơi mà ở đó nhiều hình thức đầu tư được thực hiện, trong đó hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A), một hình thức được dự báo là sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược”, Bộ trưởng dự đoán.

Chính phủ rất quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua hình thức M&A

Bộ trưởng cũng cho rằng, trong quá trình đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Chính phủ rất quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua hình thức M&A, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước ra khỏi các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thị trường M&A 2017-2018 đang chờ những cú bứt phá, những thương vụ ấn tượng. Nguồn hàng khổng lồ đang đến từ tiến trình thoái vốn, cổ phần hoá các doanh nghiệp quy mô như Habeco, Sabeco, Vinamilk, Petrolimex... hay những cuộc gọi vốn tư nhân tầm quốc tế của Vietjet, FLC, VNG... Đây được xem là những “mỏ vàng”có thể đưa thị trường M&A vào cao trào mới, đạt kỷ lục mới trước khi làn sóng M&A thứ 2 lắng xuống vào năm 2018.

Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa qua, tại hai cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực, như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển”.

Cụ thể hóa của thông điệp này là hai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020; và số 707/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 phê duyệt đề án “cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020”.

“Tôi cho rằng, như vậy là đã đủ điều kiện để chúng ta không chỉ có tư duy đột phá, mà còn là hành động đột phá trong lĩnh vực M&A đầy tiềm năng này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có chỉ đạo quyết liệt đối với các bộ, ngành, địa phương tích cực hơn nữa trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón nhận và hấp thụ dòng vốn đầu tư quốc tế đang dồn về khu vực và Việt Nam, như điều kiện về hạ tầng, đất đai, năng lượng, lao động...

“Tôi mong rằng, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội, nhiều dịp để hợp tác, cùng nhau tìm kiếm những cơ hội đột phá để thành công trong lĩnh vực M&A”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư