e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng khung khổ pháp lý quản lý Bitcoin

00:53 | 06/01/2018 Print
- Nếu coi Bitcoin là một loại hàng hóa thì sẽ được hợp thức hóa và kinh doanh theo luật thương mại, còn nếu đồng tiền ảo này được xem là tài sản, thì sẽ mặc nhiên được điều chỉnh theo Luật Dân sự.

Bitcoin là gì?

Bitcoin được thiết kế vào năm 2007 bởi một cá nhân hoặc tổ chức ẩn danh lấy tên là Satoshi Nakamoto, được đưa vào sửa dụng đầu tiên vào năm 2009. Sau 10 năm ra đời và phát triển, bitcoin trải qua nhiều thăng trầm.

Tháng 10/2009, The New Liberty Standard đưa ra giá trị quy đổi 1 bitcoin = 0,00076 USD. Lần đầu tiên, đồng tiền ảo này được sự công nhận có giá trị về mặt thực tế trên thị trường tiền tệ thế giới.

Năm 2012, bitcoin đột ngột tăng giá liên tục và đạt mức khoảng 1 bitcoin = 40 USD, giá trị đồng bitcoin tăng lên hàng chục nghìn lần so với 3 năm trước đó. Cho đến nay, giá trị đồng bitcoin đã tăng đến một mức không tưởng: 1 bitcoin = 6144,99 USD (cập nhật ngày 31/10/2017).

Nhắc đến lịch sử bitcoin cần nhớ đến một số dấu mốc quan trọng như: Năm 2013, một số nhà cung cấp dịch vụ lớn bắt đầu chấp nhận sử dụng bitcoin như: OKCupid, Baidu, Reddit, Humble Bundle, Foodler và Gyft. Thời điểm này, Canada đã có máy ATM bitcoin đầu tiên trên thế giới.

Ngày 28/2/2014, sàn giao dịch Bitcoin Mt.Gox tại Nhật Bản phá sản do để mất 750.000 bitcoin của khách hàng và 100.000 bitcoin của chính sàn Mt.Gox, tương đương 473 triệu USD. Vụ việc đã làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư vào đồng tiền ảo này.

Đặc biệt, ngày 1/4/2017, Nhật Bản đã công nhận bitcoin là một phương thức thanh toán chính thức tại quốc gia này.

Ở Việt Nam, bitcoin đã và đang được giao dịch nhưng chưa được Nhà nước công nhận là một loại tiền tệ, chưa được quản lý và kiểm soát. Tháng 3/2014, tại Việt Nam, đại lý mua, bán bitcoin đầu tiên ra đời với tên gọi là Bitcoin Vietnam tại địa chỉ bitcoin.vn, hình thành nên Sàn giao dịch bitcoin VBTC.

Ngày 5/6/2016, xuất hiện chiếc máy bitcoin ATM đầu tiên tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, trong đó có bitcoin. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã lên tiếng chính thức không thừa nhận đồng bitcoin trong giao dịch.

Nhiều ý kiến trái chiều về quản lý Bitcoin

Cùng thời điểm đề án được đưa ra, đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc quản lý loại tiền này tại thị trường Việt Nam.

Tại Hội thảo "Cơ hội kinh doanh 2018" do Bizlive tổ chức sáng 06/1/2018, tại Thanh Hoá, TS. Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng ngân hàng BIDV nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không nên cấm đoán hoàn toàn mà nên quan tâm đến vấn đề quản lý thế nào".

Đồng tình vơi quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên BASICO đánh giá rằng sẽ rất khó có kịch bản cấm Bitcoin – đồng tiền mà ông gọi là “tiền nhái” thay vì là tiền ảo.

Theo ông, dù rất rủi ro nhưng không nên cấm kinh doanh, cấm đầu tư, cấm giao dịch loại tiền này do càng rủi ro thì càng nhiều cơ hội.

Nếu coi Bitcoin là một loại hàng hóa thì sẽ được hợp thức hóa và kinh doanh theo luật thương mại, còn nếu đồng tiền ảo này được xem là tài sản, thì sẽ mặc nhiên được điều chỉnh theo Luật Dân sự.

Ông Đức nhấn mạnh việc cấm lâu dài có khả năng cao là cấm thanh toán, cấm với tư cách là đồng tiền thanh toán. Đồng tiền này vẫn được giao dịch trừ khi Quốc hội cấm theo quy định của Hiến pháp.

Báo cáo Thủ tướng vào cuối tháng này

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành của Chính phủ nhanh chóng rà soát, đề xuất phương án quản lý kinh tế trên một số lĩnh vực ngay trong tháng 1/2018.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Đề án quản lý thuế Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, mở rộng cơ sở thuế đối với kinh tế tư nhân theo chỉ đạo tại văn bản số 6372/VPCP- KTTH ngày 20/6/2017.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế bao gồm cả phần kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung, tự cấp, tự sản, tự tiêu... theo chỉ đạo tại Thông báo số 475/TB-VPCP đã được ban hành từ tháng 10 năm ngoái.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255/QĐ-TTG ngày 21/8/2017.

Văn bản yêu cầu các bộ, ngành triển khai các chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng Chính phủ để kịp thời triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018./.

An Nhi (tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư