e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Tuyển sinh 2013: Kết quả đến đâu?

14:18 | 05/11/2013 Print
- Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 có nhiều chính sách ra đời nhằm hỗ trợ việc tuyển sinh của các trường. Thế nhưng, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn nhiều điểm bất cập cần xử lý.

Số đạt trên điểm sàn tăng, nhưng vẫn thiếu sinh viên

Nhờ những chính sách hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả tuyển sinh năm 2013 có số thí sinh đạt điểm sàn tăng gần 100.000 so với năm 2012. Cụ thể, hệ đại học đạt 323.681 chỉ tiêu, số thí sinh đạt điểm sàn trở lên là 562.449 và hệ cao đẳng đạt 256.886 chỉ tiêu, số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên là 419.291. Điều này tạo cơ hội cho sinh viên lựa chọn ngành học, trường học phù hợp, đồng thời, nâng số lượng tuyển sinh của các trường lên.

Các trường đại học công lập vẫn là lựa chọn hàng đầu nên khối trường này vẫn “ung dung” với nguồn sinh viên dồi dào, nhưng các trường cao đẳng, các hệ đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, liên thông lại chật vật với nguồn tuyển khan hiếm.

Nguyên nhân là do Bộ Giáo dục và Đào tạo siết chặt đầu vào hệ liên thông và giảm chỉ tiêu hệ đào tạo vừa học, vừa làm. Năm 2013, lần đầu tiên thí sinh liên thông phải thi chung với hệ chính quy trong kỳ thi 3 chung (chung đề; chung đợt thi-ngày thi; chung kết quả thi).

Đại diện nhiều trường cho rằng, đổi mới trong quy chế liên thông đã gây nhiều hệ lụy, bởi mặt bằng kiến thức của thí sinh hệ liên thông và hệ chính quy có sự chênh lệch. Vì thế, việc gộp vào thi chung và đánh giá theo tiêu chí hệ chính quy, thì gần như đã chặn lại con đường liên thông. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục yêu cầu các trường phải giảm chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học theo lộ trình. Năm 2012, chỉ tiêu tại chức được xác định bằng 60% chỉ tiêu hệ chính quy, năm 2013 giảm còn 50% và sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới.

Về phía các trường ngoài công lập, tình hình còn ảm đạm hơn. Mùa tuyển sinh năm 2013 kết thúc, chỉ có một số trường đại học ngoài công lập đã có “thương hiệu” như đại học Hoa Sen, đại học Văn Lang… là xét đủ chỉ tiêu sinh viên, còn tình hình chung là thiếu sinh viên trầm trọng.

Cá biệt, một số trường đại học ngoài công lập mới thành lập là còn gặp nhiều khó khăn về tuyển sinh như: đại học Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh chỉ tuyển được hơn 200 sinh viên, trong khi chỉ tiêu là 1.000, riêng bậc cao đẳng trường hiện chỉ tuyển được hơn 20 sinh viên tất cả các ngành. Tương tự, Trường đại học Công nghệ thông tin Gia Định năm nay có 500 chỉ tiêu, nhưng cũng chỉ tuyển được hơn 140 sinh viên cả bậc đại học và cao đẳng.

Trước tình cảnh nhiều trường ngoài công lập có quá ít sinh viên vào học, PGS, TS. Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết: “Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận được một số đề xuất của các trường ngoài công lập về việc cho tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được hội đồng tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét mọi điều kiện, nếu hợp lý thì bộ mới có phương án. Ngoài ra, vấn đề các trường tuyển sinh không được phải cần xem lại vì nguồn tuyển năm nay tăng gần 100.000 so với năm 2012” (theo Thanh Hùng, Sài gòn Giải phóng Online).

Lại xuất hiện tuyển sinh lệch vào ngành “nóng”

Một vấn đề đang xuất hiện tại mùa tuyển sinh năm nay đó là nhiều trường không lo vấn đề tuyển sinh, thì lại rơi tình trạng tuyển sinh lệch giữa các ngành. Do Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách cho phép các trường linh hoạt phân bổ chỉ tiêu cho từng ngành, nên nhiều trường đã tuyển sinh ào ạt vào một số ngành nghề “nóng”, nhất là khối ngành y, dược, dù vượt quá năng lực đào tạo.

Điển hình như trường đại học Nguyễn Tất Thành có hơn 990 người vào ngành dược sĩ bậc cao đẳng (trong khi chỉ tiêu là 600) và gần 400 người bậc đại học.

Việc tuyển lệch chỉ tiêu giữa các ngành nghề cũng diễn ra ở nhiều trường khác, như: Trường Đại học Hòa Bình chủ yếu tuyển sinh các ngành quan hệ công chúng, mỹ thuật công nghiệp, công nghệ thông tin…; trường Đại học Yersin Đà Lạt chủ yếu tuyển sinh các ngành điều dưỡng, kiến trúc, quản trị kinh doanh… trong khi có ngành chỉ tuyển 10 sinh viên.

Việc tuyển sinh viên ồ ạt vào một số ngành “nóng” đã diễn ra từ nhiều năm trước đó, đặc biệt các ngành khối kinh tế. Chính vì thế đã dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên kinh tế ra trường không có việc làm. Thực trạng này khiến trong mùa tuyển sinh năm nay, Bộ siết chặt chỉ tiêu và việc mở các ngành khối kinh tế. Giờ đây, điều này đang lặp lại với khối ngành sức khỏe.

Nguồn tham khảo:

1. http://www.sggp.org.vn/giaoduc/tuyensinhdhoccdang/2013/11/331456/

2. http://kenhtuyensinh.vn/tuyen-sinh-2013

3. http://laodong.com.vn/Tuyen-sinh/Tuyen-sinh-DH-CD-2013-Ngoai-cong-lap-lien-thong-tai-chuc-deu-khung-hoang/143323.bld

Loan Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư