e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo

Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 06 (590)

07:17 | 26/03/2015 Print
- Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 06/2015 gồm nội dung chính sau:

Đầu tháng 3/2015, Bộ Xây dựng đã đưa ra Dự thảo Nghị định về Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Chính phủ ban hành. Trong đó, có nhiều quy định mở rộng thêm quyền lợi cho người mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan ngại xung quanh những quy định này được tác giả Trương Việt Dũng chỉ ra trong bài viết “Dự thảo Nghị định về Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội: Vẫn chưa thực sự đột phá”.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế ASEAN. Theo đó, dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ, đầu tư, chuyên gia và hợp tác khu vực sẽ được khơi thông, mở ra cơ hội phát triển lớn cho các nền kinh tế trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Bạn đọc sẽ được hiểu cụ thể hơn qua bài “Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Đâu là cơ hội cho phát triển kinh tế Việt Nam?” của tác giả Nguyễn Văn Trung.

Bước vào năm 2015, thị trường bất động sản có nhiều thay đổi về chính sách, như: sự thay đổi về Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, chính sách thuế, đất đai... Ngoài ra, còn có những điểm trùng hợp với năm 2008. Những tác động này đến thị trường bất động sản như thế nào sẽ được đề cập trong bài “Một số nhận định về thị trường bất động sản năm 2015” của tác giả Trần Xuân Lượng.

Sau 8 năm trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nền kinh tế nói chung, tình hình xuất - nhập khẩu của Việt Nam nói riêng, đã có những thay đổi đáng kể. Qua bài “Nhìn lại thương mại Việt Nam sau 8 năm gia nhập WTO” của tác giả Ngô Hải Thanh, bạn đọc sẽ có cái nhìn rõ hơn.

Và cũng theo lộ trình cam kết gia nhập WTO, năm 2015, thị trường bán lẻ Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn. Hàng loạt tập đoàn bán lẻ toàn cầu đã, đang và sẽ đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam để giành thị phần. Điều này đặt ra áp lực cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ nội, đặc biệt trong lĩnh vực marketing, trước những thay đổi trong thời gian tới. Với bài “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh mới”, tác giả Phùng Thị Thủy sẽ đưa ra một số giải pháp để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ “nội”.

Thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao có ý nghĩa quan trọng để đạt mục tiêu đưa Việt Nam căn bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Song, để thực hiện điều đó, Việt Nam cần có đội ngũ nhân lực đủ trình độ, đủ tiêu chuẩn đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nhà đầu tư nước ngoài. Qua bài “Đáp ứng nguồn nhân lực để thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao”, tác giả Nguyễn Huy Cảnh sẽ cho thấy bức tranh tổng thể vấn đề này và đưa ra một số giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu.

Trong những năm qua, mặc dù các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ nguồn lực rất lớn của nền kinh tế và được nhiều ưu ái từ phía Chính phủ. Với bài “Tập đoàn kinh tế nhà nước: Kỳ vọng và hiện thực”, tác giả Đậu Vĩnh Phúc và Nguyễn Đức Long sẽ đánh giá thực trạng của các tập đoàn kinh tế nhà nước, từ đó đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khối doanh nghiệp này.

Tạp chí số này còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn. Cùng với đó là chuyên trang đặc biệt về Đà Nẵng phản ánh các mặt kinh tế - xã hội của thành phố được mệnh danh “đáng sống nhất Việt Nam”./.

KTDB

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư