e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

Đằng sau “vách đá tài chính” của Mỹ

11:26 | 10/01/2013 Print
- "Vách đá tài chính" là chương trình tự động cắt giảm chi tiêu và tăng thuế diện rộng, gây tác động tiêu cực tới đà tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường lao động và có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này trở lại suy thoái. Vậy “vách đá tài chính” sẽ khởi phát điều gì đối với nền kinh tế Mỹ và mức độ tồi tệ có thể có ra sao?

“Ung nhọt” từ 2001

"Vách đá tài chính" là chương trình tự động tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá hơn 600 tỷ USD bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2013, nếu Nhà Trắng và Quốc hội không đạt được một thỏa thuận về các giải pháp có tính giảm nhẹ hơn.

Mối nguy này xuất hiện từ năm 2001, khi chính quyền của Tổng thống George W Bush thông qua chương trình cắt giảm thuế trị giá 1,7 tỷ USD cho đến năm 2011. Năm 2010, hai năm sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Barack Obama đã đạt được thỏa thuận với Quốc hội về gia hạn chương trình giảm thuế dưới thời của người tiền nhiệm thêm hai năm.

Điều đó cũng đồng nghĩa là nếu không gia hạn tiếp thì sau ngày 31/12/2012, nhiều sắc thuế sẽ được tự động tăng lên, chi tiêu công sẽ bị cắt giảm đáng kể để có thể giải quyết một cách triệt để nhất vấn đề thâm hụt ngân sách.

Cùng với vế thứ nhất là tăng thuế, vế thứ hai của “vách đá tài chính” là việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ như đã được nêu trong Luật kiểm soát ngân sách 2011 để đổi lại là trần nợ công sẽ được nâng lên.

Theo đó, trần nợ công được nâng lên với điều kiện đi kèm là kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách 2.400 tỷ USD trong vòng 10 năm. Trong số 2.400 tỷ USD phải cắt giảm này, có 1.200 tỷ được xác định rất cụ thể trong Luật kiểm soát ngân sách 2011. Phần 1.200 tỷ còn lại sẽ được một "Siêu Ủy ban" bao gồm các thành viên của cả Hạ viện và Thượng viện cùng quyết định.

Nếu "Siêu Uỷ ban" này không thể đạt được thoả thuận phải cắt cái gì, cắt ở đâu thì một cơ chế trong luật này gọi là “dành riêng” sẽ có hiệu lực, theo đó tất cả các mục chi tiêu của chính phủ sẽ đều bị cắt để đảm bảo thâm hụt có thể giảm thêm được đúng 1.200 tỷ USD trong 10 năm.

Nếu nước Mỹ không tránh được “vách đá tài chính” thì tác động của việc tăng thuế và thắt chặt chi tiêu sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái (nhẹ) đối với nền kinh tế nước này trong năm 2013 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên khoảng 9% vào nửa cuối năm.

Theo tính toán của Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO), nếu kịch bản này xảy ra, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ giảm 600 tỷ USD trong năm 2013, kéo theo GDP của Mỹ trong cùng năm giảm 0,5%.

Trong lúc kinh tế Mỹ đang đối mặt với những khó khăn chồng chất, nợ công khổng lồ ở mức hơn 16.000 tỷ USD, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp cao, kịch bản "vách đá tài chính" nếu xảy ra sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế đang phục hồi chậm chạp của Mỹ.

Đây là một kết cục rất không được mong đợi vì nước Mỹ vừa mới tạm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008.

“Cơi nới” thành… thâm hụt

Tối 1/1 giờ địa phương tức sáng 2/2 giờ Hà Nội, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật đã được Thượng viện nước này thông qua trước thềm Năm Mới nhằm giúp nước Mỹ tránh rơi xuống "vách đá tài chính", đe dọa đẩy nền kinh tế số một thế giới rơi trở lại suy thoái.

Với 257 phiếu thuận và 167 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trên, theo đó đề xuất tăng thuế đối với các cá nhân có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên và các hộ gia đình có thu nhập trên 450.000 USD/năm. Trợ cấp thất nghiệp tiếp tục được thực hiện trong khi khoản cắt giảm chi tiêu công tự động 109 tỷ USD sẽ được gia hạn thêm hai tháng nữa.

Phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cùng ngày cho biết dự luật tránh "vách đá tài chính" sẽ khiến ngân sách liên bang nước này thâm hụt thêm gần 4.000 tỷ USD khi tiếp tục áp mức thuế thấp đối với phần lớn người dân Mỹ.

Theo cơ quan trung lập này, việc tiếp tục chính sách thuế có từ kỷ nguyên Tổng thống George W.Bush đối với hầu hết các hộ gia đình Mỹ sẽ khiến ngân sách thâm hụt thêm khoảng 3.600 tỷ USD trong thập kỷ tới. Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Eric Cantor tuyên bố ông không ủng hộ dự luật trên.

Trước đó, Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã thống nhất được biện pháp tạm thời ngăn chặn nguy cơ tăng thuế và cắt giảm chi tiêu đe dọa đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái.

Còn nhiều trở ngại

Thỏa thuận giữa hai đảng trong Quốc hội đã giải tỏa được những mối lo trước mắt, nhưng con đường phía trước đối với chính trường và nền kinh tế Mỹ vẫn ngổn ngang các chướng ngại vật.

Nước Mỹ sẽ lại đối diện với một trận chiến mới về vấn đề ngân sách trong hai tháng tới, khi việc cắt giảm chi tiêu sẽ lại được bàn tới vào cuối tháng 2/2013. Đồng thời, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng không thể né tránh một vấn đề khác là nâng trần nợ công từ mức 16.400 tỷ USD hiện nay, khi con số đã kịch trần này vào ngày 31/12.

Nếu trần nợ công không được nâng lên, nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên vào tháng Hai hoặc tháng Ba và bị giáng cấp tín nhiệm như những gì đã xảy ra vào năm 2011, điều sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin trên khắp toàn cầu vào kinh tế Mỹ.

Thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Obama là các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã công khai lên tiếng sẽ lật ngược tình thế khi hai bên sẽ bước vào vòng thương lượng về việc cắt giảm ngân sách đối với các chương trình quốc phòng và xã hội, và nâng trần nợ quốc gia trong vòng hai tháng tới.

Một số lãnh đạo của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ đặt điều kiện cho việc nâng trần nợ là Nhà Trắng phải nhượng bộ trong cắt giảm ngân sách, còn Tổng thống Obama đã nhiều lần cảnh báo đảng Cộng hòa không lồng hai vấn đề này trong các cuộc thương lượng sắp tới.

Cho đến nay, quan điểm của người đứng đầu phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell là không tăng thêm thuế với người giàu mà tập trung vào cắt giảm chi tiêu, còn phe Dân chủ vẫn muốn tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa việc tăng thuế đối với người giàu và cắt giảm chi tiêu.

Bên cạnh đó, không những chưa giải quyết được tận gốc các vấn đề của nền kinh tế Mỹ là nợ công và thâm hụt ngân sách, thỏa thuận tại Quốc hội cũng không phải là lời giải cho bài toán kinh tế Mỹ.

Khi thị trường bất động sản đang "ấm" dần lên, gánh nặng nợ của các gia đình nhẹ bớt, giúp tăng khả năng chi tiêu tiêu dùng và nguy cơ "vách đá tài chính" đã được loại bỏ, các nhà kinh tế lại không nhìn thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế và việc làm mạnh mẽ hơn đối với nước này trong năm 2013.

Dù đã thoát khỏi "vách đá tài chính", chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ - động lực của nền kinh tế - vẫn khó có thể tăng mạnh do thuế an sinh xã hội cao hơn, làm giảm thu nhập của người tiêu dùng.

Nhiều nhà kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 2% hoặc thấp hơn trong năm nay, so với mức ước tăng 2,2% trong năm ngoái và tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn ở mức cao 7,7%./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/CIGFHC/vach-da-tai-chinh--va-thoi-diem-1-1-2013.html

http://cafef.vn/tai-chinh-quoc-te/kinh-te-my-van-nhieu-tro-ngai-sau-vach-da-tai-chinh-20130109094732839ca32.chn

http://nld.com.vn/20121113103442765p0c1006/my-doi-mat-vach-da-tai-chinh.htm

Lê Vân (tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư