e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

Trung Quốc và âm mưu lập lại Con đường Tơ lụa

11:23 | 12/11/2014 Print
- Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ đóng góp 40 tỷ USD để xây dựng nguồn quỹ phát triển hạ tầng Con đường Tơ lụa, nhằm thúc đẩy kết nối khắp khu vực châu Á.

Sơ đồ "con đường tơ lụa" trên bộ và trên biển theo đề xuất của Trung Quốc

Tăng cường thương mại

Ý tưởng lập con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21 được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến công du Indonesia, hồi tháng 10/2013.

Con đường Tơ lụa trên bộ dự kiến sẽ bắt nguồn từ Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, đông bắc Trung Quốc, chạy dọc qua Trung Á, Trung Đông và vươn tới châu Âu. Còn tuyến đường trên biển dự kiến sẽ có điểm đầu ở Quảng Đông, đi qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương; sau đó vắt sang Mũi Hảo vọng (châu Phi), đi sang biển Đỏ và Địa Trung Hải. Cả hai tuyến đường đều có điểm cuối là Venice (Italy) – trung tâm buôn bán của thế giới thời Trung cổ, gắn với thời kì châu Âu tìm mọi ngả đường thông thương sang châu Á, nổi bật là các chuyến đi của nhà thám hiểm Marco Polo.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu: “Trung Quốc sẽ đóng góp 40 tỷ USD để thiết lập Quỹ Con đường Tơ lụa, nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước nằm dọc tuyến đường này để phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, hợp tác công nghiệp và tài chính, cũng như các dự án liên quan đến kết nối. Quỹ Con đường Tơ lụa sẽ được thiết lập cùng các nguồn quỹ phụ theo khu vực, ngành nghề và dự án. Chúng tôi hoan nghênh các nhà đầu tư tại châu Á và bên ngoài khu vực tham gia xây dựng nguồn quỹ này”.

Theo ông Tập Cận Bình, Con đường Tơ lụa thực sự có thể đưa kim ngạch thương mại hai bên lên khoảng 1 nghìn tỷ USD trong năm 2020.

Để thể hiện cam kết của mình, ông Tập khẳng định chính phủ Bắc Kinh sẵn sàng tài trợ cho các dự án hàng hải liên quan đến ASEAN thông qua cánh tay đầu tư nhà nước của mình là Quỹ Hợp tác Hàng hải Trung Quốc – ASEAN.

“Con đường Tơ lụa trên biển hình thành trên cơ cở các kế hoạch nhằm tăng cường thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Một dự án như vậy sẽ được xây dựng trên cơ sở chính trị và các nền tảng kinh tế vững chắc, phù hợp với mong muốn chung của người dân Trung Quốc và các quốc gia ASEAN”, hãng tin Tân Hoa bình luận.

“Con đường Tơ lụa trên biển là một khái niệm mang tính biểu tượng nhiều hơn", Yang Baoyun, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nhận định. Theo ông Yang, mặc dù khái niệm vẫn cần làm rõ thêm, việc tăng cường hợp tác thương mại và kinh tế giữa Trung Quốc và khu vực có thể giúp giảm bớt các căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ.

Mặc dù không có thông tin chi tiết để hình dung "Con đường Tơ lụa trên biển" hiện đại sẽ hình thành ra sao, nhiều người đã dự đoán về một mạng lưới các liên kết thương mại và sự kết nối tốt hơn giữa các cảng và các hoạt động hợp tác biển sẽ giúp tăng cường quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, thúc đẩy việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Đằng sau mục tiêu kinh tế

Đằng sau mục tiêu kinh tế, Bắc Kinh muốn thành lập các liên minh với những nước vốn có quan hệ lịch sử lâu đời với Trung Quốc, vào lúc các tranh chấp lãnh thổ đang gây căng thẳng tại Châu Á. Bắc Kinh hy vọng, quan hệ kinh tế chặt chẽ với các đồng minh mới sẽ giúp ngăn chặn ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong bối cảnh Washington thực hiện chính sách xoay trục sang Châu Á để tái cân bằng lực lượng trong vùng.

Một nhà báo Malaysia, làm việc tại Bắc Kinh, nhận định, Malaysia có tới 40% dân số là người Hoa, có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, nhưng tránh đề cập tới chủ đề này, bởi vì Malaysia cần xuất khẩu sang Trung Quốc và mua hàng hóa của nước này. Singapore, với 65% dân cư là người Hoa, vẫn khéo léo đi dây trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Các nước khác như Thái Lan, Cam Bột, Lào và ngay cả Việt Nam, hiện đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc, cũng ký các hiệp định quan hệ đối tác với Bắc Kinh.

Sri Lanka vừa mới ký với Trung Quốc nhiều hợp đồng lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Một chuyên gia của nước này nói với báo La Croix là sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước trong vùng Châu Á tạo cảm giác đó là một hình thức mới của tiến trình thực dân hóa.

Bắc Kinh thường xuyên trấn an rằng sự phồn thịnh kinh tế chung cho phép bảo đảm hòa bình, đặc biệt là ở vùng biển phía nam Trung Quốc. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy, các lợi ích kinh tế, cho dù to lớn đến đâu, cũng không ngăn cản chiến tranh xẩy ra.

"Chiến lược Con đường Tơ lụa thách thức chính sách 'trục châu Á' của Tổng thống Mỹ Barack Obama bằng cách sử dụng sức thu hút của thương mại và đầu tư". Zhou Fangyin, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông, nhận xét. "Tôi nghĩ nó sẽ đem lại hiệu quả khi nhiều nước châu Á đang rất quan tâm đến phát triển hạ tầng nhưng gặp khó khăn do thiếu thốn về vốn và công nghệ".

Qiao Mu, trưởng khoa tại Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, nhận định, thúc đẩy kinh tế là "cách dễ dàng và hiệu quả nhất" để Trung Quốc cải thiện mối quan hệ với láng giềng, nhưng sách lược này cũng gây ra mối đe dọa ở trong nước. "Tôi sợ rằng đầu tư hào phóng quá mức sẽ khiến công chúng phản đối bởi mảng giáo dục và y tế của ta vẫn cần hỗ trợ tài chính", Qiao nói./.

Nguồn:

http://www.scmp.com/news/china/article/1635391/china-create-us40-billion-silk-road-fund-eurasian-infrastructure​

http://www.chinadaily.com.cn/china/2014-11/09/content_18888916.htm​

http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/4030-an-do-trung-quoc-tranh-gianh-anh-huong

Trang Trần (tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư