e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

G7 ra tuyên bố nhấn mạnh căng thẳng tại Biển Đông

09:10 | 09/06/2015 Print
- Kết thúc hai ngày họp tại Đức, lãnh đạo các nước G7 đã ra tuyên bố chung đề cập toàn diện đến nhiều vấn đề quốc tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông.

Tuyên bố của G7 nhấn mạnh quyết tâm hợp tác chặt chẽ trên cơ sở những giá trị và nguyên tắc chung nhằm giải quyết các thách thức về chính trị và kinh tế quốc tế. G7 cũng cam kết tôn trọng các giá trị về tự do dân chủ, quy định luật pháp, duy trì tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như thúc đẩy hoà bình và an ninh trên thế giới.

Lãnh đạo các nước G7 thảo luận các vấn đề nóng của thế giới

Vấn đề về tình hình Biển Đông và các hoạt động của Trung Quốc được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập trước đó khá nhiều trong buổi họp hôm 7/6.

Ông Abe đã nêu thực trạng về tình hình xây đắp trên các khu vực đảo thuộc Biển Đông của Trung Quốc với đại diện các nước Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Mỹ. Qua đó, ông cho biết các lãnh đạo G7 không thể khiến cho "các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trở nên bất biến", The Japan Times dẫn lời ông Hiroshige Seko, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Trong tuyên bố chung công bố cuối ngày 8/6, các lãnh đạo G7 bày tỏ mối lo ngại về Biển Đông, mặc dù vẫn "né tránh việc đặc biệt đề cập đến việc cải tạo đất của Trung Quốc" tại nơi này.

Thay vào đó, họ khẳng định Bắc Kinh nên làm rõ cơ sở trong tuyên bố chủ quyền của mình bằng cách sử dụng luật pháp quốc tế, không nên dùng vũ lực hoặc cưỡng chế, theo ông Seko.

Ngoài tình hình Biển Đông, tuyên bố chung của G7 cũng ra tuyên bố nêu một số quan điểm về cách xử lý những vấn đề nổi cộm khác.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, G7 ủng hộ cơ chế làm việc thông qua nhóm "Bộ tứ Normandy" (gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức) và nhóm làm việc 3 bên (gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu - OSCE).

G7 khẳng định mạnh mẽ lập trường không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời hối thúc các bên thực thi đầy đủ thoả thuận Minsk đạt được ngày 12/2 nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng dai dẳng tại Ukraine. Đồng thời, lệnh trừng phạt kinh tế áp lên Nga sẽ tiếp tục đến khi nào thỏa thuận ngừng bắn Minsk giữa Ukraine và phiến quân miền đông nước này được tuân thủ chặt chẽ. Các nước G7 vẫn cho rằng Nga có trách nhiệm trong chiến sự tại Ukraine vì lực lượng ly khai có sự hậu thuẫn của Nga.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo G7 cũng lên án Triều Tiên tiếp tục dự án phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, cũng như vấn đề vi phạm nhân quyền. Các nước G7 cũng đồng ý một cuộc thỏa thuận về biến đổi khí hậu mang tên COP21 vào tháng 12 tới.

Ngoài ra, tuyên bố bế mạc của 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới cũng đề cập đến vấn đề kinh tế, vấn đề hạt nhân Iran, tình hình Libya, chiến chống khủng bố và chống biến đổi khí hậu./.

Hội nghị thượng đỉnh G7 kéo dài trong 2 ngày (7-8/6). Trong chương trình nghị sự, lãnh đạo 7 cường quốc thế giới cũng bàn về các vấn đề sức khỏe toàn cầu từ dịch Ebola, khủng hoảng tại Ukraine và Hy Lạp. Vấn đề Ukraine chiếm gần như toàn bộ thời gian ngày 7/6; trong đó Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi cộng đồng quốc tế mạnh mẽ phản đối Nga cho đến khi nước này tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư