e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Doanh nghiệp

Thủ tướng sẽ tham dự VBF cuối kỳ năm 2014

00:00 | 29/11/2014 Print
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2014 được tổ chức vào ngày 2/12 tới tại Hà Nội.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức tài chính quốc tế, Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đồng tổ chức thường niên một năm 2 kỳ. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, trở thành kênh đối thoại cho doanh nghiệp, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam.

Chủ đề của VBF cuối kỳ năm 2014 là "Doanh nghiệp hướng tới các Hiệp định thương mại mới".

Diễn đàn sẽ thảo luận các nhóm vấn đề về cải cách thị trường tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, phát triển doanh nghiệp tư nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trước đó, VBF giữa kỳ 2014 đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6/2014 với chủ đề “Từ chương trình tới hành động – Chuẩn bị cho các Hiệp định thương mại mới”.

VBF giữa kỳ 2014 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, trong đó đặc biệt là Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn cuối và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến kết thúc đàm phán trong tháng 10/2014.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn trước cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Cụ thể, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng kế hoạch 5 năm. Theo đó, Việt Nam kiên định nhất quán và quyết tâm xây dựng Việt Nam là đất nước xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập tự chủ, dân giàu nước mạnh, công bằng văn minh. Việt Nam sẽ là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia, đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội.

“Nếu 2014 tăng trưởng khoảng 5,8%, 2015 khoảng 6% thì từ 2016 đến 2020 là 6,5%. Việt Nam sẽ là một nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng cho biết, để thực hiện mục tiêu như trên, Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chính sách.

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường một cách đầy đủ hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn. Việt Nam chủ động đẩy nhanh hiệu quả tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Thực hiện đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường, nhất là cơ chế giá theo cơ chế thị trường, phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường.

Việt Nam hiện đã là thành viên WTO, tham gia 8 FTA khác. Một mặt cam kết thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, mặt khác tham gia đàm phán với nhiều FTA khác, trong đó có hiệp định TPP, FTA với EU đang tiến triển tích cực…

Thời gian tới, Việt Nam sẽ ban hành luật, quy định đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo luật, hiến pháp Việt Nam mới. Cùng với tinh thần như vậy, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ hai, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước. Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển doanh nghiệp tư nhân .

Thủ tướng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút mạnh hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất kinh doanh, thương mại vào Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam sẽ thực hiện cơ chế khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội: giao thông, y thế, giáo dục…khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng, khuyến khích hình thức PPP.

Thứ tư, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân. Quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả. Nhà nước trong sạch vững mạnh, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Thứ năm, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục bảo đảm, tăng cường ngày càng vững chắc an ninh xã hội, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo môi trường sống yên bình của Việt Nam. Việt Nam sẽ đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các tổ chức, doanh nghiệp, người nước ngoài công tác, học tập, làm ăn sinh sống tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng khẳng định hệ thống chính trị Việt Nam hoàn toàn đủ sức thực hiện mục tiêu, chính sách, quyết tâm này./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư