Xuất khẩu rau quả: Tìm hướng đi mới

17:44 | 15/06/2014 Print
- Rau quả là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong 5 năm qua (2009-2013), kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5%/năm. Tuy nhiên, ngành rau quả đang gặp phải những khó khăn từ những rào cản của các nước nhập khẩu, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn... Vì vậy, chủ động tìm hướng đi mới là việc cần làm ngay của ngành rau quả.

Kim ngạch xuất khẩu tăng cao

Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 439 tỷ USD, năm 2013 đã đạt gần 1,1 tỷ USD. Trong 3 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu đạt 276 triệu USD, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thủy sản và Nghề muối, rau quả Việt Nam hiện được xuất khẩu đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 10 thị trường xuất khẩu chính là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, với các mặt hàng chủ yếu như xoài, vải, nhãn, chuối, thanh long, dừa và dứa. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu qua tiểu ngạch, các đối tác phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng các chính sách thương mại biên giới của địa phương với các hình thức buôn bán không ổn định, nên thường gặp khó khăn và có nhiều rủi ro bất thường.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 6-8% tổng kim ngạch xuất khẩu. 3 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 15,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,65% và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng xuất sang Nhật Bản chủ yếu là các loại rau quả lạnh đông như cải bó xôi, dưa chuột, nấm, sơ ri, thanh long, xoài.

Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ với thị phần chiếm khoảng 5-6% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Các mặt hàng chủ yếu là: nấm rơm đóng lon, hành củ, tỏi, gừng, nghệ…

Những hạn chế trong sản xuất, xuất khẩu

Sản xuất ngành rau quả đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều. Mặt khác, sản xuất không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng là khó khăn; bố trí mùa vụ sản xuất không tập trung nên dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thay đổi gây nên khủng hoảng thừa hoặc thiếu cục bộ. Mối liên hệ giữa sản xuất và tiêu thụ rau quả chưa được hình thành, tình trạng được mùa mất giá vẫn chưa được khắc phục. Sản xuất an toàn, bền vững còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Công tác kiểm soát, phòng trừ sâu hại theo các tiêu chuẩn Global Gap, Viet Gap chưa được áp dụng rộng rãi.

Chế biến và bảo quản sau thu hoạch còn yếu, hiện việc thu hái, sơ chế bảo quản vẫn tiến hành thủ công là chính, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25-30%.

Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên rau quả vẫn còn phổ biến. Theo Cục Quản lý chất lượng Nông, lâm, thủy sản và Cục bảo vệ thực vật, tỷ lệ mẫu và tỷ lệ lô hàng xuất khẩu bị cảnh cáo vi phạm an toàn thực phẩm đang giảm nhưng còn ở mức cao, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản không đạt về điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNN còn cao.

Phát triển thị trường trong nước, chủ yếu vẫn là thông qua thương lái trước khi đến các cơ sở chế biến, kinh doanh, xuất khẩu. Số còn lại đi thẳng từ vườn ra chợ, mua bán tự do; chưa phổ biến phát triển các phương thức phân phối hiện đại. Hệ thống hạ tầng thương mại còn yếu và thiếu.

Rào cản đầu tiên và khó khăn nhất đối với rau quả Việt Nam trong tiếp cận thị trường là vấn đề vệ sinh và vệ sinh dịch tễ (SPS). SPS ngày càng được coi trọng trong đàm phán thương mại quốc tế và được sử dụng như một công cụ bảo hộ nền nông nghiệp của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, yêu cầu của người tiêu dùng cũng rất khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, NewZealand.

Giải pháp

Về phát triển nguyên liệu, trước mắt cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đối với ngành rau quả theo hướng gắn kết chặt chẽ với lợi thế vùng, miền, mỗi địa phương, chỉ phát triển một số loại cây chủ lực. Mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, nhằm tạo ra các chân hàng lớn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến.

Về bảo quản, chế biến xuất khẩu, ưu tiên công nghệ sơ chế bảo quản rau quả tươi với các quy mô khác nhau, đặc biệt chú trọng quy mô vừa và nhỏ. Kết hợp công nghệ truyền thống với tiên tiến hiện đại trong điều kiện Việt Nam. Áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật bảo quản ray quả, như: IQF, sấy chân không, điều áp khí quyển (CA), hệ thống bảo quản sống tế bào (CAS)... Tận dụng tối đa công suất của các nhà máy chế biến rau quả hiện có, đa dạng hóa sản phẩm để cải thiện công suất hoạt động của các nhà máy chế biến công nghiệp, tổng hợp lợi dụng các phẩm cấp khác nhau của nguyên liệu và phế phụ phẩm để hạ giá thành sản phẩm.

Về kiểm soát chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ban hành thông tư liên tịch làm rõ phân công và cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kiểm soát an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương; phân công, phân cấp giám sát, đánh giá nguy cơ, truyền thông và quản lý nguy cơ.

Đặc biệt, để giảm thiểu tiêu cực đến xuất khẩu nông sản của nước ta khi thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc giảm sút trong thời gian tới, cần tăng cường xuất khẩu sang một số thị trường thay thế, như: New Zealand, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... đối với các sản phẩm rau quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải...). Tăng cường năng lực chế biến (sấy, muối, đông...) nhằm đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với thị trường xuất khẩu. Phát triển tiêu thụ rau quả tươi trên thị trường nội địa, đẩy mạnh cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nguồn:
http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30106&cn_id=657097
http://laodong.com.vn/kinh-doanh/xuat-khau-rau-qua-huong-toi-1-ti-139705.bld

Lê Thủy

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư