e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Tháng 3: Khách quốc tế đến Việt Nam giảm kỷ lục

18:04 | 02/04/2015 Print
- Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính khách quốc tế đến Việt Nam 3 tháng đầu năm 2015 đạt khoảng 543.300 lượt khách đến, giảm trên 23,4% so với cùng kỳ. Đây là mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay.

Tính chung cả ba tháng đầu năm nay, có hai triệu lượt khách quốc tế đến, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, du khách từ châu Á - thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam, giảm 14,1%, chỉ có trên 1,27 triệu lượt khách. Trong khu vực này, thị trường lớn là Trung Quốc giảm đến 40,4% nên dù hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc có tăng nhưng vẫn không thể bù đắp nổi phần sụt giảm của cả khu vực.

Trong quí 1/2015, du khách đến từ châu Âu cũng giảm 11,1%, chỉ có khoảng 341.800 lượt. Trong đó, chỉ có khách khoảng 95.800 lượt khách Nga, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm trong chín tháng liên tiếp kể từ tháng 6-2014, trong đó có nhiều tháng giảm ở mức hai con số so với cùng kỳ một năm trước đó.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khách quốc tế đến giảm liên tục trong thời gian qua là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan của ngành du lịch, và yếu tố cốt lõi nhất chính là sự cạnh tranh về giá cả. Sự mất giá của các đồng tiền như đồng Rúp của Nga, Euro của châu Âu, Yen của Nhật và đồng Đô la Úc so sánh với đồng Đô la Mỹ (và đồng tiền Việt Nam) đã khiến cho giá tour đến Việt Nam dành cho khách đến từ những khu vực này thêm đắt đỏ.

"Việc bán các series tour từ châu Âu đến Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm 2013 và năm 2014 có nguyên nhân chính từ yếu tố này (yếu tố tỷ giá), bên cạnh một nguyên nhân khác là trong khu vực có một số điểm đến mới nổi lên, hấp dẫn hơn như Myanmar đang thu hút mạnh mẽ du khách quốc tế," ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết.

Trong khi những thị trường châu Âu, Nhật Bản, và đặc biệt là thị trường khách Nga đang khó khăn thì những thị trường chính khác như Trung Quốc và thị trường tiếng Hoa vẫn chưa thể phục hồi sau sự cố căng thẳng trên biển Đông hồi tháng Năm năm ngoái. Sự cạnh tranh trên thị trường du lịch thế giới và khu vực cũng căng thẳng hơn và du lịch Việt Nam với sức cạnh tranh kém hơn càng bị sụt giảm./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư