CPI tháng 5 tăng 0,16%

21:21 | 24/05/2015 Print
- Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng tăng 11% (05/05) và giá điện tăng 7,5% (16/03) là những nguyên nhân chính tác động đến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 là 0,16% so với tháng trước đó.

Cụ thể: CPI trong tháng 5 đã tăng 0,95% so cùng kỳ năm 2014 đồng thời tăng 0,2% so với tháng 12 năm trước. Như vậy, CPI bình quân năm tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước đã tăng 0,83%.

Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 7 nhóm tăng, trong đó có mức tăng cao nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với 1,27%, tiếp đến là nhóm giao thông vận tải tăng 1,02% và tăng thấp nhất là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng cao ảnh hưởng từ các việc tăng giá chủ yếu tại các mặt hàng, như giá nước sinh hoạt tăng 0,4%, giá điện sinh hoạt tăng 4,28% so với tháng 04.

Bên cạnh đó, nhóm dịch vụ hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại giảm 0,22% và các nhóm thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông, giáo dục hầu như không có sự thay đổi.

Ngoài ra, mặt hàng lương thực thực phẩm dồi dào đã góp phần giữ mức CPI tháng 05 không tăng cao.

Trong khi đó, mặc dù giá điện tăng 7,5% từ 16/03, tuy nhiên, nó vẫn tác động vào mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng tháng 5. Thêm vào đó là yếu tố thời vụ, những tháng Hè thời tiết nắng nóng đã khiến mức tiêu thụ điện gia tăng mạnh và đóng góp vào mức tăng CPI khoảng 0,11%.

Ngoài ra, giá xăng dầu được điều chỉnh tháng 5 (xăng tăng thêm 1.950 đồng/lít, giá dầu Diezel giữ nguyên) góp phần tăng CPI chung của tháng khoảng 0,08%.

Số liệu của cơ quan thống kê cũng chỉ ra, giá các mặt hàng lương thực thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào đã góp phần làm cho CPI chung giảm khoảng 0,11%, giá gas trong nước điều chỉnh giảm giảm 4.500 đồng/bình 12 kg (ngày 01/04), sau đó tăng 1.500 đồng/ bình 12 kg (ngày 01/05) làm cho chỉ số giá gas giảm 0,52% so với tháng 4.

Thêm vào đó, giá dầu hỏa điều chỉnh giảm 260 đồng/lít (05/05) đã góp phần giữ mức CPI tháng này không tăng cao.

Với biến động các nhóm chỉ số giá trên, lạm phát cơ bản tháng 5 (CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) đã tăng mạnh so với cùng kỳ với 2,1%, cao hơn mức 0,95% của lạm phát chung do mặt bằng giá các mặt hàng tính lạm phát chung thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản trong tháng cũng tăng 0,14% so với tháng 4 , có mức tăng thấp hơn so với lạm phát chung 0,16%, do lạm phát chung bao gồm các mặt hàng tăng giá (nhiên liệu và điện) đóng góp cao hơn vào mức tăng CPI so với mặt hàng giảm giá (lương thực thực phẩm) đóng góp thấp hơn vào mức giảm CPI.

Trong tháng 5, giá vàng thế giới có nhiều biến động, những ngày đầu tháng giá vàng tăng và đứng ở mức trên 1.212 USD/ounce, nhưng sau vài phiên giá vàng lại giảm về mức 1.221 USD/ounce (15/05), đây là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư