e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng

Chi thường xuyên tiếp tục chiếm trên 72% tổng chi NSNN

13:46 | 29/05/2018 Print
- Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2018 ước tính đạt 470,3 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với 339,5 nghìn tỷ đồng,

Chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2018 ước tính đạt 490,2 nghìn tỷ đồng, bằng 37,2% dự toán năm. Cụ thể, thu nội địa đạt 394,5 nghìn tỷ đồng, bằng 35,9%; thu từ dầu thô đạt 21,7 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 73,9 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3%.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2018 ước tính đạt 470,3 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán năm

Điều đáng lưu ý là trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 51,8 nghìn tỷ đồng, bằng 31,1% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 66,3 nghìn tỷ đồng, bằng 29,8%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 82,2 nghìn tỷ đồng, bằng 37,7%; thu thuế thu nhập cá nhân 41,1 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4%; thu thuế bảo vệ môi trường 14,2 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2%; thu tiền sử dụng đất đạt 41,8 nghìn tỷ đồng, bằng 48,6%.

Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/5/2018 ước tính đạt 470,3 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với 339,5 nghìn tỷ đồng, bằng 36,1%; chi đầu tư phát triển đạt 82,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,7%; chi trả nợ lãi 46,3 nghìn tỷ đồng, bằng 41,1%.

Giải ngân vốn đầu tư trong 5 tháng đầu năm còn chậm

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 96,1 nghìn tỷ đồng, bằng 28,4% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 bằng 28,7% và tăng 5,5%).

Cụ thể, vốn trung ương quản lý đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, bằng 26,8% kế hoạch năm và giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 6.135 tỷ đồng, bằng 33,3% và giảm 42,3%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.619 tỷ đồng, bằng 20,1% và tăng 12,1%; Bộ Y tế 721 tỷ đồng, bằng 21,8% và giảm 41,6%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 360 tỷ đồng, bằng 24,3% và tăng 53,6%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 308 tỷ đồng, bằng 22,7% và tăng 37,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 216 tỷ đồng, bằng 28,8% và tăng 23%; Bộ Xây dựng 68 tỷ đồng, bằng 24,8% và giảm 61,7%; Bộ Công Thương 61 tỷ đồng, bằng 27,7% và giảm 18,6%; Bộ Khoa học và Công nghệ 54 tỷ đồng, bằng 22,4% và tăng 48,1%; Bộ Thông tin và Truyền thông 32 tỷ đồng, bằng 24% và tăng 19,7%.

Vốn địa phương quản lý đạt 78,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,8% kế hoạch năm và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 54,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,8% và tăng 11,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 20,2 nghìn tỷ đồng, bằng 33,4% và tăng 15,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% và tăng 14,7%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2018 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 11.446 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch năm và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 6.243 tỷ đồng, bằng 15% và tăng 6,8%; Thanh Hóa 2.428 tỷ đồng, bằng 38,6% và tăng 38,2%; Hải Phòng 2.310 tỷ đồng, bằng 25,3% và tăng 62,8%; Quảng Ninh 2.204 tỷ đồng, bằng 38,9% và tăng 21,3%; Nghệ An 2.189 tỷ đồng, bằng 37,4% và giảm 0,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu 2.169 tỷ đồng, bằng 33,3% và tăng 22,1%; Vĩnh Phúc 2.109 tỷ đồng, bằng 35,4% và tăng 0,2%./.

Thanh Nga

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư