e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Tham gia TPP, nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất

10:54 | 08/12/2013 Print
- Đó là nhận định của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 8/12. Nguyên nhân, theo ông là do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp và áp dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế.

Tham gia TPP: Xuất khẩu dệt may, da giày sẽ tăng mạnh

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định có chất lượng cao, nhiều nội dung cao hơn cam kết WTO và khi ký kết được hiệp định này sẽ tạo động lực to lớn cho xuất khẩu cũng như việc thu hút đầu tư của nước ngoài.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất chính là nông nghiệp, bởi kinh tế Việt Nam cơ bản vẫn là nền kinh tế nông nghiệp, nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp và áp dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế.

“Vì vậy, giá thành sản xuất còn cao, thậm chí còn cao hơn cả những nền kinh tế lớn trong khu vực. Vì vậy, việc mở cửa thị trường và nhập khẩu sẽ ít nhiều tác động đến sản phẩm hàng hóa này”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.

Để hạn chế những tiêu cực trên, theo người đứng đầu Bộ Công Thương, trong trao đổi và đàm phán với Hoa Kỳ và các nước thành viên khác tham gia TPP, Việt Nam đã yêu cầu hiệp định TPP phải là một hiệp định cân bằng về lợi ích, tức là nước nào cũng có lợi ích, tính đến chênh lệch về trình độ phát triển.

"Nghĩa là cuối cùng chúng ta cũng sẽ đi đến cam kết nhưng phải có thời gian không phải thực hiện ngay từ khi hiệp định có hiệu lực đối với những việc giảm thuế hay miễn trừ thuế," Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Giải thích rõ hơn, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm và kể cả bà con nông dân cũng có điều kiện để khắc phục những yếu kém và nâng dần khả năng cạnh tranh sản phẩm của mình.

Bên cạnh đó, trong khi chuẩn bị tiến hành TPP, các cơ quan chủ trì cũng đã tham vấn các doanh nghiệp lớn, rồi các hiệp hội ngành nghề như: dệt may, thủy sản và thường xuyên có các cuộc trao đổi cung cấp thông tin tọa đàm để cho doanh nghiệp hiểu, nắm bắt được những lợi thế và ưu đãi khi tham gia TPP và lường trước được những khó khăn để có biện pháp khắc phục những khó khăn đó.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi tham gia Hiệp định này, các quốc gia sẽ được hưởng lợi khi thuế suất của hầu hết các mặt hàng sẽ giảm về 0% trong vòng 10 năm. Trong đó, lợi ích của Việt Nam khi tham gia TPP là về mặt kinh tế với việc mở cửa thị trường hàng hóa những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản...

Đáng chú ý là khả năng xuất khẩu của Việt Nam nhất là những mặt hàng có thế mạnh như dệt may, da giày... sẽ tăng mạnh. Hơn nữa, khi tham gia TPP sẽ đặt ra cho Việt Nam những tác động để tiếp tục làm thế nào nâng cao quy mô và chất lượng sản phẩm trong nước, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Khắc phục những thiếu sót trong phát triển thủy điện

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng giải đáp câu hỏi của người dân về những tác động tiêu cực của thủy điện và “chúng ta có nên tiếp tục làm thủy điện hay không”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: “Theo tôi, chúng ta phải kiên quyết tìm và có giải pháp căn cơ hơn có thể khắc phục cơ bản thiếu sót trong quá trình phát triển thủy điện. Nếu làm được như vậy thì cần tiếp tục khai thác lợi thế của thủy điện”.

Nhấn mạnh rằng, thủy điện là nguồn năng lượng rẻ, có khả năng tái tạo. Và nếu những công trình thủy điện thực hiện đồng bộ, hiệu quả kể cả về phát triển điện cũng như bảo đảm an toàn người dân và công trình thì Việt Nam nên làm.

“Bên cạnh đó, chúng ta phải kiên quyết dừng, loại khỏi quy hoạch những công trình không đạt hiệu quả kinh tế xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường, không bảo đảm an toàn cho người dân và không thực thi nghiêm túc quy định vận hành thủy điện” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với việc quy hoạch thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong quá trình thực hiện chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, các tổng sơ đồ quy hoạch điện qua các giai đoạn, đặc biệt thực hiện Nghị quyết của Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiêm túc nhìn nhận phân tích mặt hạn chế và báo cáo Chính phủ giải pháp khắc phục.

Gần đây nhất, tại phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ, Chính phủ cũng đã bàn bạc kỹ về nội dung này, thống nhất ban hành nghị quyết chuyên đề về thủy điện. Đi theo nghị quyết sẽ có kế hoạch hành động chi tiết.

Bộ trưởng cho biết, nội dung chính là cần có chỉnh sửa, bổ sung về cơ chế chính sách, vấn đề thắt chặt quản lý nhà nước trong quy hoạch thủy điện tập trung vào một đầu mối. Đối với Bộ Công Thương, là cơ quan chịu trách nhiệm về quy hoạch thủy điện, phối hợp với các địa phương, chủ đầu tư trong toàn bộ quá trình thực hiện các dự án thủy điện./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư