e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Việt Nam không nên trông chờ quá nhiều vào TPP

09:39 | 20/03/2014 Print
- GS. Joseph Stiglitz, người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 đã thẳng thắn chỉ rõ điều này tại buổi Tọa đàm Phấn đấu tăng trưởng, sẵn sàng với yếu kém - Viễn cảnh kinh tế năm 2014, ngày 19/3/3014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

"TPP là thực tế là chủ đề tranh cãi nhiều ở Mỹ. Nhiều nước hào hứng với TPP, tuy nhiên, chúng ta phải hiểu là trong giai đoạn hiện tại, khả năng đi đến đích gần như bằng 0 nên lời khuyên là đừng trông đợi vào TPP và nên có chiến lược kinh tế với giả định TPP không đi đến đâu”, GS. Stiglitz thẳng thắn.

Ông chỉ rõ, mục đích của các hiệp định thương mại tự do hay quan hệ đối tác thực ra không như người ta nghĩ. Thực tế là hiệp định thương mại có sự kiểm soát quyền lợi của doanh nghiệp Mỹ, cụ thể là các tập đoàn lớn.

“Những người chỉ trích toàn cầu hóa buộc tội các nước phương Tây là đạo đức giả và họ hoàn toàn đúng. Các nước phương Tây đã ép buộc nhiều nước nghèo xóa bỏ hàng rào thương mại, nhưng lại giữ lại hàng rào thương mại của chính họ”, ông nói.

Các chính sách như duy trì chế độ hạn ngạch đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển, hay tiếp tục trợ cấp nông nghiệp khiến cho hàng nông sản của các nước đang phát triển khó cạnh tranh, dẫn đến hậu quả là “nhiều nước nghèo nhất thế giới thực ra còn bị làm cho nghèo hơn”.

Để dẫn chứng cho nhận định này, ông lấy ví dụ về trường hợp của Mehico. Phải mất 20 năm sau Hiệp định Bắc Mỹ, thì nước này mới tăng xuất khẩu sang Mỹ do không đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng, lao động…

Vì thế, nếu ký TPP như hiện nay thì lợi cho Mỹ, chứ người dân có thể sẽ không có lợi ích nhiều.

Mỹ muốn hiệp định như vậy là vì Tổng Thống muốn ký hiệp định thương mại để thể hiện vai trò của mình ,mà không quan tâm đến chi tiết nhất là trong bối cảnh ngân sách của Mỹ đang bị hạn chế. Châu Âu cũng không thích những điều khoản về đầu tư và sẽ làm quyết liệt với vấn đề này.

“Để tránh bị bất lợi, cần phải cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục,cải cách thể chế mà ta đang nói để có đối sách ứng phó với thách thức mà ta phải đối mặt”, giáo sư cho hay./.

Trí Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư