e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Thời điểm “vàng” để triển khai kế hoạch hành động 4 ngành công nghiệp

10:14 | 26/09/2014 Print
- Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà hoạch định tham dự Hội thảo “Công bố Kế hoạch hành động 4 ngành công nghiệp” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 25/9/2014, thì Việt Nam đang trong thời điểm “vàng” để triển khai kế hoạch này.

Thời điểm “vàng” tốt để triển khai chiến lược

Tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành báo cáo kế hoạch hành động, cũng như lộ trình triển khai của 4 ngành công nghiệp là ngành công nghiệp điện tử; công nghiệp chế biến nông thủy sản; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; công nghiệp máy nông nghiệp đã được các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhìn chung, các kế hoạch hành động của các bộ, ngành đều phản ánh tính cấp thiết của tình hình kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam nhận được sự cam kết đồng hành của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong lộ trình thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch.

Ngoài ra, Việt Nam đang là điểm thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới lựa chọn đầu tư. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cũng là người có nhiều năm làm việc với các nhà đầu tư Nhật Bản cho biết, Việt Nam đang trong thời điểm “vàng” để thực hiện thành công kế hoạch hành động các ngành công nghiệp mũi nhọn, khi mà nước ta đang là địa chỉ thu hút nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia, cùng với đó là những dây truyền công nghệ và quản lý tiên tiến nhất trên thế giới đến đầu tư, như Samsung, Nokia, Honda, Sony….

Do đó, ông cho rằng, các nhà xây dựng chính sách cũng như doanh nghiệp cần lắm bắt cơ hội này để có thể tiếp thu công nghệ cũng như phương pháp quản lý hiện đại.

Song, khó khăn còn rất nhiều

Với việc thu hút nhiều các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới, thì chúng ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Quan điểm này cũng được nhiều đại biểu tham dự hội thảo chia sẻ. “Để đáp ứng được những yêu cầu của các tập đoàn lơn, thì Việt Nam vẫn còn một khoản cách rất xa về công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực.

Bởi thực tế cho thấy, trong 4 cấp yêu cầu mà Samsung đòi hỏi các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đáp ứng, thì phần lớn các doanh nghiệp chỉ đáp ứng được ở mức độ cấp 4 (cấp thấp nhất), với những sản phẩm như bao bì, ốc, vít…” ông Toàn cho biết.

Cùng chung quan điểm này, đại diện đến từ Hanel cho biết, hiện nay, điều đáng lo ngại nhất của các doanh nghiệp Việt Nam đó là chất lượng nguồn nhân lực. Bởi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa đáp ứng được những nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, song cũng chưa có nhiều cơ sở đào tạo tại Việt Nam có thể cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu của Nhật Bản.

Đứng ở một góc độ khác, đại diện Hiệp hội Cơ khí cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp vẫn rất thiếu những thông tin và những hoạch định ngành hàng vẫn còn sơ sài và thiếu cơ sở trong việc lập các kế hoạch dự án đầu tư.

Theo vị đại diện này, hiện đang còn tồn tại hiện tượng về vấn đề độc quyền và cát cứ thông tin của các bộ, ngành và các cơ quan của Chính phủ, gây cản trở cho các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin. Thực tế thì nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội muốn có được thông tin, nhưng bản thân Hiệp hội cũng không có bất cứ những thông tin nào để chia sẻ.

Đơn cử cho vấn đề này, ông đưa ra ví dụ điển hình là Samsung muốn các doanh nghiệp cung cấp một linh kiện, song yêu cầu của họ là phải dẻ hơn hàng Trung Quốc, trong khi yêu cầu này hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải biết linh kiện đó giá bao nhiêu, để từ đó kế hoạch xây dựng dự án phù hợp, tránh những rủi ro của dự án gây lãng phí tiền của Nhà nước... Do vậy, các bộ, ngành cần có xây dựng cơ chế cung cấp cho các hiệp hội hay doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin.

Đồng tình ý kiến này, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cơ quan thường trực của tổ công tác thực hiện kế hoạch Chiến lược cũng thẳng thắn cho rằng, hiện nay vẫn chưa hình thành được các kênh thông tin giữa các bộ, ngành, mà chủ yếu thông qua các cuộc hội thảo, tòa đàm…

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một cơ quan điều phối, để xây dựng chiến lược, song ngay cả Bộ vẫn rất mong muôn có được một kênh thông tin thông suốt giữa các bộ, ngành để cung cấp cho các hiệp hội, doanh nghiệp, song hiện nay vẫn chưa thiết lập được kênh thông tin nay, mà chủ yếu thông qua các cuộc hội thảo, tòa đàm…” Bà Tuệ Anh nói. Đồng thời, bà cũng mong muốn phía Nhật Bản có thể cung cấp một kênh thông tin thông suốt để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được./.

Anh Quyền

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư