Công suất chỉ đạt 50%

Năm 2016, dung lượng thị trường ô tô Việt Nam đạt khoảng 300,000 xe (trong đó khoảng 230,000 xe lắp ráp trong nước và khoảng 70,000 xe nhập khẩu). Tuy nhiên, tổng công suất sử dụng chỉ đạt 50% tổng công suất đăng ký. Do thị trường ô tô không ổn định nên các nhà đầu tư không thể quyết định đầu tư dài hạn.

Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam mới sử dụng hết 50% công suất

Theo nhóm công tác, do sản lượng ít nên quy mô nhỏ, các nhà cung cấp khó đầu tư sản xuất linh kiện một cách quy mô và đòi hỏi hàm lượng đầu tư cao (đặc biệt là máy móc, khuôn và đồ gá) vì như vậy sẽ dẫn đến khấu hao lớn. Vì vậy, ít nhà cung cấp có thể tồn tại ở Việt Nam và cung cấp linh kiện cho các hãng lắp ráp ô tô trong nước, dẫn đến phải nhập khẩu và làm cho chi phí tăng cao (so với xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia chênh lệch 20%).

“Khả năng cạnh tranh của xe sản xuất trong nước yếu đi, đặc biệt từ năm 2018 khi thuế nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam giảm xuống còn 0%”, nhóm công tác nhận định.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của nhóm công tác, năng lực đáp ứng yêu cầu về chất lượng/chi phí/giao hàng (QCD) của nhà cung cấp Việt Nam còn nhiều vấn đề. Cụ thể là: Không nhiều nhà cung cấp đáp ứng được tiêu chuẩn QCD để tham gia chuỗi cung cấp toàn cầu; Các nhà cung cấp Việt Nam cần có bản quyền hoặc chuyển giao công nghệ hoặc thỏa thuận cấp phép từ các nhà cung cấp chính hãng; Các linh kiện ô tô yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về môi trường và an toàn.

“Vẫn còn thiếu các chính sách và cơ chế phát triển công nghiệp hỗ trợ hợp lý. Mặc dù Chính phủ đã ban hành một số quyết định và nghị định về công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên, trên thực tế không nhiều nhà cung cấp được hưởng lợi từ chính sách do thủ tục áp dụng rất phức tạp. Cùng với đó, hệ thống thông tin về các nhà cung cấp ô tô chưa đầy đủ và chi tiết về năng lực sản xuất hoặc không được cập nhật thường xuyên khiến cho các nhà sản xuất mất nhiều thời gian và nỗ lực để tìm ra một nhà cung cấp phù hợp trong rất nhiều các nhà cung cấp với năng lực QCD khác nhau”, nhóm công tác cho biết.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo nhóm công tác, trong thời gian tới, để phát triển ngành công nghiệp ô tô, cần thực hiện 3 nhóm chính sách chính. Cụ thể là: nhóm chính sách nhằm duy trì sự tăng trưởng ổn định của thị trường, gồm cả các giải pháp hạn chế tác động tiêu cực lên thị trường (như phát triển cơ sở hạ tầng) hoặc các nỗ lực để đạt được sự ủng hộ của công chúng cho sự phát triển ổn định. Đây có thể coi là các giải pháp quan trọng và bền vững nhất.

Nhóm chính sách hỗ trợ giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu dựa trên nguyên tắc đảm bảo đối xử công bằng, minh bạch giữa tất cả các nhà sản xuất và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam; nhóm chính sách thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp (như chương trình đào tạo các nhà cung cấp, hỗ trợ đầu tư khuôn và đồ gá….).

Theo nhóm công tác, hiện Chính phủ đã thành lập Tổ công tác Ô tô liên ngành bao gồm các nhà sản xuất lắp ráp và các nhà cung cấp, nhưng hoạt động mới chỉ dừng lại ở các hoạt động đi thăm nhà máy, tìm hiểu tình hình sản xuất thực tế và lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp. Vì thế, thời gian tới, nên mời thêm một số nhà cung cấp tham gia do họ có sự hiểu biết sâu rộng về công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, Tổ công tác cần tổ chức thường xuyên các cuộc họp giữa các thành viên với nội dung và chương trình cụ thể sau đó báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ thường xuyên hơn.

Đồng thời, Chính phủ nên khuyến khích các nhà cung cấp nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô.

Đối với nhà cung cấp, nhóm công tác cho rằng, các nhà cung cấp cấp 2&3 không nên đặt tham vọng “nhảy cóc” lên thành cấp 1 trong ngắn hạn, mà nên tập trung đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về QCD và hợp tác với các nhà cung cấp nước ngoài để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nhận được chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp nên tham gia các chương trình kết nối cơ sở dữ liệu và kinh doanh, xây dựng thông tin giới thiệu công ty đầy đủ và hấp dẫn. Với cách làm như vậy, họ có thể từng bước nâng cao hiểu biết về yêu cầu của nhà sản xuất và chủ động nâng cao năng lực QCD thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm và quản lý năng suất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực giao hàng, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Về phía nhà sản xuất, nhóm công tác đề xuất, cần cung cấp các hướng dẫn về việc tuyển chọn nhà cung cấp, các điều kiện tuyển chọn và danh sách các linh kiện dự kiến nội địa hóa để các nhà cung cấp tiềm năng cân nhắc. Đồng thời, giúp đỡ các nhà cung cấp tiềm năng phát triển năng lực QCD và tiếp nhận chuyển giao công nghệ (ví dụ Toyota Việt Nam cử chuyên gia tới các nhà cung cấp để thực hiện các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực và chia sẻ bí quyết quản lý sản xuất)./.