Chủ yếu là xuất khẩu thô

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2008-2012, tỷ trọng xuất khẩu nông sản (hiểu theo nghĩa rộng bao gồm: nông, lâm, thủy sản) tuy dao động, song vẫn chiếm trên dưới 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Xét theo số tuyệt đối: kim ngạch xuất khẩu nông sản liên tục tăng (từ 16,5 tỷ USD năm 2008 lên 27,5 tỷ năm 2012). Song, nếu xét theo tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tầm quan trọng của nhóm hàng này có xu hướng liên tục giảm, năm 2009 tỷ trọng này là 27,2%, đến năm 2012 giảm chỉ còn 24,1%.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản tháng 9 năm 2013 ước đạt 2,39 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 9 tháng đầu năm 2013 lên 20,45 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2012. Tính từ tháng 4, đây là tháng đầu tiên kim ngạch xuất khẩu toàn ngành phục hồi (tháng 8 kim ngạch đạt 18 tỷ USD, giảm 1,1%) (Bảng 1).

Bảng 1: Tình hình xuất khẩu nông sản

từ năm 2008 đến 9T/2013

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

9T/2013

Kim ngạch XK nông lâm thủy sản (tỷ USD)

16,5

15,4

19,1

25,1

27,5

20,45

Tốc độ tăng trưởng (%)

24,5

-6,7

24,0

31,4

9,6

0,5*

Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (%)

26,3

27,2

26,5

25,9

24,1

15,2

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (* so với cùng kỳ năm trước)

Số liệu Bảng 1 cũng cho thấy, nông sản Việt Nam đang mất dần ngôi vị quán quân. Nhìn vào báo cáo xuất - nhập khẩu của Việt Nam trong 3 tháng gần đây sẽ thấy có sự chuyển dịch về vị trí trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Nếu trước đây, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản được xem là chủ chốt, động lực chính góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, thì đến nay đã bị thay thế bởi nhóm ngành công nghiệp chế biến (Phạm Thị Thu Hương, 2013). Xuất khẩu nông sản vẫn tiếp tục có xu hướng giảm, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính 9 tháng năm 2013 ước đạt 9,93 tỷ USD, giảm 12%.

Điều đáng nói là, giá trị gia tăng thấp, nên giá trị xuất khẩu của đa phần các mặt hàng nông sản của Việt Nam giảm cho dù có lúc tăng về khối lượng. Nguyên nhân chính là do, hầu hết các mặt hàng này mới chỉ dừng lại ở dạng nguyên liệu thô, các sản phẩm chế biến và tinh chế còn còn chiếm tỷ lệ khá nhỏ. Điển hình ở các mặt hàng sau:

- Về sản phẩm gạo: Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo, với giá trị 3,7 tỷ USD, tăng 13,9% về lượng và 2,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2011. Chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa được đánh giá cao trên thị trường thế giới. Nguyên nhân là do: Gạo Việt Nam chưa có thương hiệu mạnh; nhiều thương nhân xuất khẩu gạo chưa định hướng đầu tư lâu dài cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu; Thiếu chiến lược kinh doanh và mở rộng thị trường, chưa gắn kết được khâu sản xuất với chế biến xuất khẩu. Thực tế, có những năm, Việt Nam giữ ngôi vị số một về xuất khẩu gạo cũng chỉ tính về mặt sản lượng chứ chưa phải chất lượng và giá trị gia tăng.

- Về sản phẩm cà phê: Năm 2012, cả nước mới chỉ chế biến được khoảng 10% sản lượng cà phê thu hoạch hằng năm, bao gồm cả chế biến, rang xay và chế biến sâu (cà phê hòa tan). Bởi vậy, mặc dù năm 2012, xuất khẩu được 1,6 triệu tấn, nhưng giá trị gia tăng rất thấp. Vì thế, cũng giống như gạo, tuy nước ta vươn lên dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng chỉ đơn thuần về mặt số lượng. Công nghiệp chế biến cà phê của Việt Nam mới phát triển ở mức độ thấp, vì đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi điều kiện tài chính của các nhà đầu tư Việt Nam còn hạn chế, việc xây dựng thị trường sản phẩm trong nước và ở nước ngoài mới ở bước đầu (Đoàn Đình Thiêm, 2012).

- Về sản phẩm cao su: Theo Tổng cục Hải quan, các sản phẩm chế biến từ cao su, như: xăm, lốp và các sản phẩm khác còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chỉ 5-10%). Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su chế biến năm 2011 đạt 393 triệu USD (tương ứng với 10,8% kim ngạch xuất khẩu cao su), năm 2012 chỉ đạt 353 triệu USD (tương ứng với 12,3%). Thực tế này hạn chế giá trị gia tăng của cao su xuất khẩu. Nguyên nhân là do Việt Nam xuất khẩu đến 90%-95% cao su dưới dạng nguyên liệu thô. Sản phẩm chế biến, như săm lốp và các sản phẩm khác chiếm tỷ trọng nhỏ (5%-10%) (Phạm Hà Nguyên, 2012).

- Về sản phẩm chè: Hiện nay, có tới 90% lượng chè của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, đóng bao 50kg, chỉ 10% được xuất khẩu dưới dạng thành phẩm. Vì thế, ngay cả khi xuất khẩu đạt kim ngạch cao, thì giá chè xuất khẩu của nước ta chỉ bằng 50%-60% giá chè xuất khẩu của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn “sạch” của chè Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu khi tồn dư hàm lượng hóa chất còn quá cao. Từ những tháng cuối năm 2012 đến nay, ngành chè Việt Nam đón những thông tin không vui, khi nhiều lô hàng xuất khẩu sang châu Âu bị trả vì nguyên nhân này (Chu Khôi, 2013). Nhưng cũng không ít trường hợp, thị trường trong nước lại nhập ngay chính sản phẩm chè Việt Nam xuất thô, sau đó được đóng gói thành phẩm từ phía đối tác.

- Về sản phẩm trái cây: Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), thời gian gần đây, việc xuất khẩu các mặt hàng hoa quả chế biến có mức tăng trưởng khá mạnh. Trong đó, các thị trường, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU… rất ưa chuộng trái cây sấy khô của Việt Nam. Một số sản phẩm trái cây sấy khô được ưa chuộng đã mang thương hiệu Việt Nam, như: Vinamit, Deltafood… đã có mặt ở các siêu thị của Trung Quốc và nhiều nước châu Âu. Đây có lẽ là một trong những mặt hàng xuất khẩu nông sản chế biến nổi trội của Việt Nam hiện nay.

Một số giải pháp

Để nhanh chóng gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam, chuyển xuất khẩu nông sản từ “thô” sang “tinh”, theo chúng tôi, cần thực hiện những giải pháp sau:

Về phía Nhà nước:

- Cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp trong nước theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, chuyên canh; tăng hàm lượng khoa học, kỹ thuật trong tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đến chế biến nông sản nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành. Từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

- Trước mắt, cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể với một số mặt hàng chính, có thế mạnh lớn. Đặc biệt, để giải bài toán tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê sẽ được tái cơ cấu các khoản nợ vay trước đây lên thời hạn vay 5 năm. Cà phê, điều đã qua chế biến cũng được đưa vào nhóm đối tượng được gia hạn thời gian vay tối đa từ 12-36 tháng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Đồng thời, miễn thuế xuất hoặc tạm dừng thu thuế với cao su thiên nhiên xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tín dụng ưu đãi với các doanh nghiệp có nhu cầu: Nhập các giống cây trồng có năng suất cao, có giá trị xuất khẩu lớn; Nhập khẩu, nâng cấp máy móc sản xuất, chế biến nông sản có trình độ công nghệ cao, năng suất chất lượng đáp ứng các thị trường lớn và khó tính trên thị trường.

- Cần đẩy mạnh việc định hướng mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước -Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông. Theo đó, cần đẩy mạnh việc sản xuất các sản phẩm theo các chuẩn VietGAP, GobalGAP, HACCP... Nhà nước cần tăng cường đào tạo kỹ năng sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân giỏi có thể tích lũy về nhiều mặt, nhằm phát triển sản xuất hàng hóa lớn.

- Nhà nước cần tạo cơ chế sao cho nhu cầu đổi mới công nghệ phải mang tính tự thân của doanh nghiệp. Bởi, hạn chế về khoa học, công nghệ là một trong những nguyên nhân của tình trạng các mặt hàng xuất khẩu nói chung, các mặt hàng nông sản xuất khẩu nói riêng của Việt Nam dù tăng trưởng cao, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Muốn vậy, thì các nhà quản lý phải làm tốt hai việc: (i) Thúc đẩy sự phát triển của thị trường khoa học, công nghệ nhằm tạo mối liên kết ngang giữa các doanh nghiệp gắn với sự hình thành các tổ chức trung gian, môi giới; (ii) Đảm bảo tuân thủ pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng kiến... thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Khi Nhà nước làm tốt điều này, thì việc tăng chi cho đổi mới công nghệ, cũng như lập quỹ khoa học, công nghệ trở thành chiến lược tất yếu của doanh nghiệp để tồn tại.

Về phía các doanh nghiệp:

- Cần chuyền từ chiến lược liên tục tăng từ số lượng xuất khẩu nông sản sang chiến lược xuất khẩu sản phẩm có chất lượng và giá trị cao hơn. Cần xác định được phân khúc thị trường để từ đó đầu tư vào sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản có tiêu chuẩn phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường mục tiêu mà Việt Nam hướng đến. Bên cạnh đó, chuyển từ tập trung đầu tư vào công đoạn sản xuất sang đầu tư cho cả những khâu tạo giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sau thu hoạch. Chuyển từ quy mô sản xuất từ hộ nông dân sang phát triển kinh tế hợp tác, chuyên môn hóa cao.

- Cần xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu không khó, khó là làm sao phát triển và giữ vững được thương hiệu sau khi đã xây dựng. Muốn vậy, điều quan trọng phải bảo đảm chất lượng của nông sản đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và cả thị trường. Việc hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản quy mô lớn sẽ là cơ sở ban đầu để hình thành các thương hiệu mạnh của các doanh nghiệp và nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, tạo cơ sở nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

- Cần nâng cao chuỗi giá trị trong từng khâu sản xuất hàng nông sản. Cụ thể là phải nhận thức rõ và thay đổi chuyển từ hàng nông sản có giá trị thấp và thị trường nhỏ sang các sản phẩm có giá trị cao với tiềm năng thị trường lớn.

- Doanh nghiệp cần xác định được hướng đi cũng như nhu cầu thực sự đối với đầu tư cho khoa học, công nghệ, kết hợp với phần được hỗ trợ từ Nhà nước, như: nguồn tài chính từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, ưu đãi về thuế, sử dụng đất, ưu đãi sử dụng trang thiết bị... sẽ giúp cho doanh nghiệp đầu tư hiệu quả để đổi mới máy móc, đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu và phát triển, nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản.

Về phía người nông dân: Để mục tiêu tăng giá trị sản xuất hàng nông sản xuất khẩu trở thành hiện thực, hơn ai hết, chính người nông dân phải nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác, chế biến để những sản phẩm của mình làm ra thực sự an toàn và được người tiêu dùng thế giới đón nhận. Đồng thời, người nông dân cũng cần kiên trì học hỏi, tìm hiểu và nhập các giống cây trồng có năng suất cao, có giá trị xuất khẩu lớn./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2013). Báo cáo Công tác tháng 9 năm 2013 và nhiệm vụ công tác tháng 10 năm 2013, ngày 4/10/2013

2. Phạm Thị Thu Hương (2013). Xuất khẩu nông sản Việt Nam: Vì sao bấp bênh ?, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 18/2013, trang 37-39

3. Chu Khôi (2013). Xuất khẩu chè ì ạch vượt... dốc, truy cập từ http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2013/9/43419.html

4. Đoàn Đình Thiêm (2012). Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để ngành cà phê phát triển bền vững, truy cập từ http://www.nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/1223802-.html

5. Phạm Hà Nguyên (2012). Doanh nghiệp cao su không muốn… chế biến, truy cập từ http://www.thoibaonganhang.vn/tin-tuc/5-dn-cao-su-khong-muon-che-bien-1060.html

ThS. Nguyễn Quốc Trí

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 21/2013