Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 12,53 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2016; thị trường EU ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 5,4%; thị trường Nhật Bản đạt 3,05 tỷ USD, tăng 5,2%; thị trường Hàn Quốc đạt 2,59 tỷ, tăng 13,2%; thị trường Trung Quốc đạt 1,04 tỷ USD, tăng 26%; thị trường ASEAN dự báo đạt 900 triệu USD, tăng 9,1%.

Năm 2017, dệt may Việt Nam có 8 mặt hàng xuất khẩu chủ lực ước đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, đó là các mặt hàng: áo thun, áo jacket, quần, quần áo trẻ em, váy, đồ lót, vải.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay tăng trưởng rất khả quan

Năm 2017 là một năm có nhiều thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam với áp lực của Hiệp định thương Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị dừng lại cùng tình hình xuất nhập khẩu dệt may cuối năm 2016, đầu năm 2017 gặp rất nhiều khó khăn nhưng từ quý 2/2017, với sự quyết tâm cao ngành dệt may đã bứt phá vươn lên và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Đóng góp vào thành công trên, toàn ngành đã vận dụng hiệu quả công nghệ quản trị doanh nghiệp, đặc biệt từng bước áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đạt giá trị gia tăng cao hơn.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã nỗ lực xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nghiệp vụ, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất, áp dụng các mô hình sản xuất thông minh theo xu hướng cách mạng 4.0 hướng tới phát triển bền vững trong ngành. Đặc biệt, Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ trong việc điều chỉnh cơ chế tiền lương, bảo hiểm, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Tại thị trường nội địa, với dân số gần 95 triệu người và đời sống, thu nhập ngày càng được cải thiện, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng đối với ngành dệt may. Dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0, các nước nhập khẩu dệt may lớn trên thế giới có xu hướng đưa dệt may trở lại nước mình, thay vì đặt gia công xuất khẩu ở các nước có giá nhân công rẻ. Điều này tạo áp lực để các dệt may Việt Nam phải quan tâm từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, bảo đảm sự phát triển cân đối giữa thị trường xuất khẩu và trong nước.

Với những tiềm năng và lợi thế phát triển, Hiệp hội cho biết đã xây dựng mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2018-2025, trong đó tập trung đầu tư tái cơ cấu ngành, đón bắt các cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0, áp dụng công nghệ tiên tiến để đầu tư, cân đối dần dần từ khâu sợi, dệt, nhuộm đến may mặc và nâng cao năng suất, chất lượng và đẳng cấp sản phẩm; thu hút các dự án dệt nhuộm gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung, có hệ thống xử lý nước thải, các dự án may về các vùng nông thôn có đông lao động; tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp dệt may trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài.

Tập trung khai thác các thị trường truyền thống, từng bước thâm nhập thị trường Việt Nam mới ký FTA để khai thác lợi thế về thuế quan, xúc tiến khai thác thị trường EU; tập trung xây dựng và khẳng định thương hiệu thời trang của dệt may Việt Nam; lên kế hoạch quảng bá ra thị trường thế giới; tập trung phát triển nguồn nhân lực, liên kết với các cơ sở đào tạo để nâng cao tay nghề người lao động.

Đặc biệt là nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; nắm bắt xu hướng, tốc độ phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0 để thích nghi với tiến bộ của thế giới…

Vượt qua những thách thức của năm 2017, năm 2018, ngành dệt may Việt Nam sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi. Dự kiến trong thời gian tới với nhiều hiệp định thương mại được ký kết, sẽ là đòn bẩy quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi rộng mở thị trường cho ngành dệt may./.