Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Hiệp hội ước tính kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 12/ 2017 ước đạt 335,862 triệu USD. Tính chung, năm 2017 xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 3,514 tỷ USD, tăng 43,02% so với cùng kỳ 2016.

Rau quả là mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam

Trong đó, 10 thị trường xuất khẩu rau quả năm 2017 của Việt Nam gồm: Trung quốc (75,6%); Nhật Bản (3,64%); Hoa Kỳ (2,94%); Hàn Quốc (2,59%); Hà Lan (1,81%); Malaysia (1,43%); Đài Loan (1,33%); Thái Lan (1,03%); UAE (1,01%); Nga (0,85%); Thị trường khác (7,77%).

Như vậy, ngành rau củ quả đã xuất khẩu vượt lúa gạo và cả dầu khí. Đạt được con số xuất khẩu nói trên là do, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng trong công tác đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhận định về thị trường rau quả trong thời gian tới, Hiệp hội cho hay, tiềm năng của thị trường thế giới cũng như sự thay đổi của chuỗi giá trị rau quả Việt Nam cho thấy, xuất khẩu rau quả rất hứa hẹn.

Ngay tại thị trường trong nước, với hệ thống rau quả ngày càng chuyên nghiệp, có truy xuất nguồn gốc nhãn mác cung ứng cho các đô thị lớn đang tăng trưởng rất nhanh.

Đây là một tín hiệu đáng mừng, một bước tiến quan trọng để ngành rau quả đang chuyển sang hướng chuyên nghiệp hóa, đảm bảo cung cho thị trường đô thị lớn và xuất khẩu.

Năm 2018, khi đà thị trường chưa có dấu hiệu suy giảm, thì dự báo ngành rau quả sẽ đạt mức tăng trưởng như năm 2017 thậm chí là hơn.

Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng rau quả, an toàn thực phẩm để có mức giá cả cạnh tranh tại các thị trường truyền thống, từ đó, tăng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi đầu tư vào chế biến, đây là giải pháp giúp ổn định hàng hóa, có quanh năm và bán được giá trị hàng hóa cao hơn. Song song với đó là việc tích cực khơi thông thêm nhiều thị trường mới.

Cũng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2017, rau quả nhập khẩu ước đạt hơn 1,555 tỷ USD tăng 68,12 % so với cùng kỳ 2016. Như vậy, trong cả năm 2017, rau quả ước xuất siêu hơn 1,958 tỷ USD./.