Lợi ích lớn

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2017, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ hoạt động xuất - nhập khẩu. Song song với việc tiếp cận ngày càng tăng các dịch vụ công trực tuyến, như: hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan tới xuất - nhập khẩu khác, các doanh nghiệp đã tích cực sử dụng internet để trao đổi thông tin kinh doanh với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng, giao kết và triển khai hợp đồng.

Tuy nhiên, nhìn chung, đa số doanh nghiệp xuất khẩu vẫn dựa vào các kênh xuất khẩu truyền thống hoặc khai thác các kênh kinh doanh trực tuyến ở mức độ rất cơ bản, như: website, email…

Dẫn lời Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại Điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) Nguyễn Kỳ Minh trên Trang tin kinh tế của Thông tấn xã Việt Nam, đối với phương thức xuất khẩu trực tuyến, doanh nghiệp Việt Nam có hai kênh chính để sử dụng, đó là: (1) Tìm đối tác nước ngoài thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử; (2) Thông qua kênh này bán trực tiếp tới tận tay người tiêu dùng ở nước ngoài.

Ông Minh cũng cho biết, tuy nhiên, kênh xuất - nhập khẩu trực tuyến vẫn chưa được ưa chuộng, do doanh nghiệp chưa có đủ kỹ năng để tự tin bán hàng trên các kênh trực tuyến tới tận tay người tiêu dùng.

Trong khi đó, Việt Nam hiện có gần 50 triệu người sử dụng internet, đạt tỷ lệ trên 53% dân số, cao hơn mức trung bình thế giới là 46,6%. Con số này đặc biệt có ý nghĩa đối với những ngành nghề kinh doanh trực tuyến, trong đó, mở ra phương thức xuất - nhập khẩu trực tuyến.

Cũng theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2017, thực hiện giao dịch điện tử sẽ mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo đó, doanh nghiệp tiết kiệm được 15%-30%, thậm chí lên tới 90% thời gian so với cách làm truyền thống; đồng thời tiết kiệm về nhân lực, giảm sai sót, minh bạch về thủ tục và tăng khả năng số hóa.

Nhiều doanh nghiệp chưa khai thác xuất khẩu trực tuyến do kỹ năng thương mại điện tử còn hạn chế

Trong khi đó, với phương thức giao dịch truyền thống, bên cạnh các thủ tục rườm rà, nhiều doanh nghiệp vẫn phải chịu chi phí khi muốn tìm đối tác nước ngoài hay xúc tiến thương mại. Vì vậy, phương thức xuất nhập khẩu trực tuyến là cơ hội lớn để giảm chi phí thời gian, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm thông tin bạn hàng, xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm, giao dịch và thanh toán.

Minh chứng cho lợi ích to lớn của xuất khẩu trực tuyến, dẫn lời ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc thị trường Việt Nam của Alibaba trên Báo điện tử Công Thương cho biết: Thương mại điện tử, trong đó có xuất khẩu trực tuyến, là kênh kinh doanh tất yếu vì tính hiệu quả, dễ dàng tìm người mua hàng và người bán hàng. Trung Nguyên, Kangaroo đều là những công ty có tiềm lực tài chính và là khách hàng lâu năm của chúng tôi. Nguồn thị trường mới mà họ có được từ thương mại điện tử đã tăng lên đáng kể, thay vì đội sales phải đi thị trường này, thị trường kia để tìm kiếm người mua mới.

Theo Alibaba tại Việt Nam, thương mại điện tử trên nền tảng kinh doanh trực tuyến B2B (giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau) sẽ giải quyết được tất cả vấn đề như vậy cho một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp không phải bỏ nhiều tiền bạc tham gia các hội chợ triển lãm, chỉ cần online trên máy tính; cũng không sợ chênh lệch thời gian hay không gian mà nhìn được ngay trên màn hình máy tính hay smartphone. Thương mại điện tử không có hạn chế về doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ, nên sẽ tạo ra thêm nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

Song, chưa được khai thác hiệu quả

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại Điện tử năm 2017, ước tính mới chỉ có 1% doanh nghiệp xuất khẩu biết cách khai thác các nền tảng kinh doanh trực tuyến toàn cầu để tạo ra đơn hàng.

99% doanh nghiệp còn lại vẫn dựa vào các kênh xuất khẩu truyền thống hoặc thai khác các kênh kinh doanh trực tuyến ở mức độ rất cơ bản như website, email.

Theo khảo sát đầu năm 2017 của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, trong số hơn 1.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tham gia xuất nhập khẩu, hiện chỉ có 49% doanh nghiệp có websibe về thương mại điện tử, 11% doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, 2% doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động.

Khảo sát cũng cho thấy, hiện vẫn còn tới 51% doanh nghiệp chưa biết cách dùng website, 35% doanh nghiệp cho rằng, hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động không ổn định.

Chia sẻ về nguyên nhân kênh xuất - nhập khẩu trực tuyến chưa thực sự được ưa chuộng, ông Nguyễn Kỳ Minh cho rằng, doanh nghiệp chưa có đủ kỹ năng để tự tin bán hàng trên các kênh trực tuyến tới tận tay người tiêu dùng.

Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) đã làm việc với rất nhiều nhà cung cấp giải pháp, các đơn vị tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các cách thức xuất khẩu sản phẩm mới trên thị trường.

Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam Trần Văn Trọng nhận định, khá nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn e ngại việc ứng dụng xuất - nhập khẩu trực tuyến, do kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp chưa phát triển và nhiều doanh nghiệp bị rào cản về ngôn ngữ. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bị sự cạnh tranh lớn với doanh nghiệp nước ngoài.

Cần làm gì để cải thiện?

Dẫn lời ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại “Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017” vào ngày 16/05/2017, thì cách hiệu quả nhất để thành công trong thương mại điện tử là doanh nghiệp cần sở hữu một website để lan tỏa các thông điệp của mình và tăng cường mối quan hệ với lượng lớn khách hàng. Qua đó, doanh nghiệp có thể mở rộng việc kinh doanh ra thế giới. Và bước đầu tiên để xây dựng hiện diện trực tuyến đáng tin cậy và thành công là chọn đúng tên miền.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tự Hồng Quân, Giám đốc Công ty Phần mềm Nhân Hòa cũng cho biết, sử dụng phần mở rộng tên miền uy tín sẽ đem lại cho các doanh nghiệp một sự tín nhiệm nhất định. Có rất nhiều doanh nghiệp quốc tế, bao gồm cả 500 công ty thuộc danh sách Fortune 500, khi cân nhắc các tiêu chuẩn toàn cầu để kinh doanh trực tuyến đều đã lựa chọn sử dụng tên miền .com để xây dựng website của mình với khát vọng mở rộng kinh doanh vươn ra ngoài mạng lưới khách hàng hiện tại trong khu vực và đem sản phẩm của doanh nghiệp tới tay khách hàng trên toàn thế giới.

Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, như kỹ năng tìm kiếm thông tin đối tác trên mạng, xác minh đối tác có uy tín hay không, hoặc các khâu thanh toán, chuyển phát… Từ đó, các doanh nghiệp có hiểu biết cơ bản để tránh các trường hợp lừa đảo khi giao dịch với đối tác nước ngoài…

Để giúp đỡ các doanh nghiệp gặp khó khăn khi áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất - nhập khẩu, Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam đã ra mắt với mục tiêu tìm kiếm các gói dịch vụ hỗ trợ trọn gói cho doanh nghiệp để tìm kiếm bạn hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh tại một số thị trường lân cận.

Đặc biệt, vừa qua, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến xây dựng khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử trong APEC và coi đây là một nội dung quan trọng của chương trình Nghị sự APEC 2017.

Đây là tín hiệu đáng mừng khi việc ứng dụng thương mại điện tử đang ngày càng được quan tâm và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, mang lại khả năng kết nối ngày càng mạnh mẽ giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước./.

Tham khảo từ các nguồn:

https://baotintuc.vn/chinh-phu-voi-nguoi-dan/tai-sao-chi-co-1-dn-biet-cach-ung-dung-xuat-khau-truc-tuyen-20180103125821862.htm

https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/xuat-khau-truc-tuyen-thoi-dai-cong-nghiep-40-con-qua-khiem-ton-20171016002912405.htm

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/vi-sao-chi-1-doanh-nghiep-viet-biet-ung-dung-xuat-khau-truc-tuyen-2018010800201933.htm

http://baocongthuong.com.vn/tien-toi-dua-xuat-nhap-khau-truc-tuyen-thanh-kenh-chinh-thong.html