Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tham tán thương mại năm 2018

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tham tán thương mại năm 2018 do Bộ Công Thương tổ chức. Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành, các thương vụ tại 63 nước và các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của ngành công thương và các tham tán, thương vụ Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp tích cực, nổi bật là thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đã đưa được các mặt hàng nông sản đặc trưng của Việt Nam tiếp cận các nước (tôm, xoài, thanh long vào Australia; gà qua chế biến, thanh long ruột đỏ, vú sữa vào Nhật Bản; xoài, vải, nhãn, chôm chôm vào Đài Loan; nhãn, vải sang Thái Lan...).

Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các thương vụ thông qua Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan khác để xem “nước sở tại họ cần gì, loại sản phẩm nào, tiêu chuẩn làm sao…” để chúng ta có thị trường ổn định cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh và lợi thế so sánh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị có biện pháp xử lý cần thiết, thuyên chuyển những cán bộ làm tham tán thương mại ở các nước mà không biết làm việc. Thủ tướng cũng lưu ý, còn có cán bộ “lo việc nhà hơn việc nước”, hời hợt, ít am hiểu thị trường, chưa thông thạo công việc, ngại khó ngại khổ hay còn có thương vụ ít đề xuất về nước những vấn đề đặt ra đối với thị trường mình phụ trách.

Dẫn trường hợp một tham tán thương mại của Nhật Bản tại Việt Nam có quan hệ tốt với các cấp chính quyền, doanh nghiệp Việt Nam, lăn lộn, chịu khó, có kiến thức chuyên sâu, hiểu biết pháp luật Việt Nam từ sắc thuế đến thuế suất và có nhiều ý kiến đối với các vướng mắc cản trở thương vụ Việt Nam – Nhật Bản, Thủ tướng đặt vấn đề, có phải đây là bài học kinh nghiệm cho các tham tán thương mại Việt Nam.

“Trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội thế giới có những chuyển biến nhanh, khó lường, kinh tế số, kinh tế công nghệ đã vươn lên mạnh mẽ, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với nhịp độ nhanh, đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi thương vụ phải chủ động, sáng tạo và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được giao”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ một số công việc cụ thể.

Thứ nhất là phục vụ. Chính phủ liêm chính, phục vụ, hành động thì thương vụ cũng phải phục vụ sự phát triển, phục vụ doanh nghiệp phát triển. Phải thực hiện tốt phương châm 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” bằng các việc làm cụ thể.

Đó là quyết tâm hành động mạnh mẽ, không thụ động ngồi chờ doanh nghiệp đến “nhờ” giúp mà phải chủ động làm việc với các đối tác sở tại để có thông tin, can thiệp, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp. Nhạy bén, kịp thời cung cấp thông tin, khuyến nghị chính sách về thị trường. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp, địa phương, thúc đẩy hàng Việt Nam thâm nhập bền vững vào thị trường nước sở tại. Kết nối chặt chẽ với các bộ, ngành của nước sở tại để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

“Các đồng chí thương vụ cần lấy thành công của doanh nghiệp, của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam làm thước đo hiệu quả làm việc”, Thủ tướng nói.

Thứ hai, Thủ tướng lưu ý cơ hội thị trường. Nói đến thương vụ là nói đến thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang xóa bỏ các khoảng cách, nhiều hướng kinh doanh mới xuất hiện, thị trường cần phải hiểu theo nghĩa rộng là nơi mang lại nguồn lực cho đất nước như dịch vụ, vốn, nhân lực, công nghệ, thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, năng lực sản xuất trong nước hiện rất lớn và vấn đề lo nhất là lo thị trường ổn định, chấp nhận sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Thương vụ cần tập trung đề xuất giải pháp tận dụng các ưu đãi FTA để đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường sở tại cũng như vận động các doanh nghiệp nước sở tại hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, khai thác các cơ hội, phòng tránh rủi ro; phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện FTA.

Làm việc với các bộ, cơ quan quản lý thương mại của nước sở tại để hai bên thực hiện cảnh bảo sớm cho nhau những tranh chấp thương mại tiềm ẩn để có biện pháp xử lý, hạn chế thấp nhất các tranh chấp thương mại.

Thủ tướng cũng lưu ý, chúng ta không chỉ có thị trường của 100 triệu dân mà chúng ta có thị trường trên 630 triệu dân của ASEAN, một thị trường tự do có quan hệ thương mại tự do FTA với 55 quốc gia, nền kinh tế thế giới.

“Các tham tán thương mại cần hiểu điều này để thâm nhập sâu hơn, khai thác mạnh mẽ hơn các thế mạnh của chúng ta”, Thủ tướng quán triệt.

Điều thứ ba mà Thủ tướng nhấn mạnh là tinh thần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của thương vụ, là một cơ quan thành viên của Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

“Các đồng chí phải là một tập thể mạnh ở tuyến đầu đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”, Thủ tướng nêu rõ và đề nghị Bộ trưởng Công Thương xem xét, đổi mới, chủ động trong công tác nhân sự, coi tham tán thương mại là một nghề chuyên nghiệp, với nhân sự phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong bối cảnh mới, phải luôn phấn đấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, trau dồi nghiệp vụ, ngoại ngữ...

Thủ tướng cho biết, vừa qua, “trên cơ sở đề nghị của các đồng chí trong các hội nghị tham tán trước đây, chúng tôi đã có một số điều chỉnh, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của hệ thống thương vụ. Các đồng chí cần vượt qua tư duy nhiệm kỳ, e ngại khó khăn, tận dụng tốt cơ hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Nhân dịp này, nhấn mạnh tinh thần “nhất hô bá ứng” giữa trong nước và thương vụ ở nước ngoài, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải quản lý, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thương hiệu, bao bì tốt, không được “tiền hậu bất nhất”; phải cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tạo điều kiện hơn cho sản xuất, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam./.