Vẫn chưa nắm vững quy định của thị trường nhập khẩu

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, trong tháng 12/2017, Việt Nam có 3/36 trường hợp vi phạm khi xuất khẩu hàng thực phẩm vào Australia, nâng tổng số trường hợp vi phạm năm 2017 lên con số 39.

Thương vụ Việt Nam tại Australia nêu rõ: Liên quan tới vấn đề kiểm tra nguy cơ từ thực phẩm nhập khẩu, trong tháng 12/2017, Bộ Nông nghiệp Australia đã kiểm soát và xác định có 3 trường hợp vi phạm. Những lô hàng thực phẩm bị phát hiện vi phạm được xác định có nguy cơ cao hoặc trung bình cho sức khỏe cộng đồng. Theo đó, những lô hàng này sẽ không được phép bán tại Australia, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Australia. Đáng chú ý, các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định.

Hay tại thị trường Hoa Kỳ, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có 45% kiện hàng xuất sang Mỹ bị dội lại do thiếu các hồ sơ quy trình của sản phẩm, chưa kể đến chất lượng của sản phẩm.

Tại hội thảo “Các yêu cầu mới tiêu chuẩn chất lượng để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập” diễn ra vào ngày 16/06/2017, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, mặc dù Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ đã được ban hành từ năm 2011, nhưng các cơ quan, doanh nghiệp lại ít chú ý về những quy định trong đạo luật này.

Việc này dẫn đến hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ gặp nhiều khó khăn và bị nhiều rủi ro. Các quy tắc mới thay đổi trọng tâm từ phản ứng với nhiễm bẩn hoặc các mối nguy khác, thay vào đó, để ngăn ngừa.

Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ về thị trường trước khi xuất khẩu hàng hóa

Tại hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam” tổ chức vào ngày 02/11/2017, TS. Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn vì vượt mức dư lượng đối với hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp đã bị các thị trường, như: Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… trả hàng về. Các loại nông sản bị ảnh hưởng nhiều nhất là trái cây (thanh long, xoài…), hồ tiêu, chè, rau...

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các đơn vị xuất khẩu không nắm thông tin cũng như quy định của nước nhập khẩu. Các sản phẩm rau quả, thủy sản nhập từ Việt Nam khi kiểm tra phát hiện thấy hàm lượng chất cấm tỷ lệ rất cao.

Thông tin trên Báo điện tử Đất Việt về vấn đề này, TS. Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam khẳng định đây là thực tế đáng báo động và đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo TS. Vân, việc sử dụng chất cấm hay vấn đề dư lượng thuốc trong nông sản phụ thuộc vào quy định của từng nước. Có những quốc gia quy định thấp, có những nơi đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn. Nhưng thời gian qua, các doanh nghiệp chưa thật sự chú ý khâu này.

TS. Nguyễn Kim Vân cho rằng, hiện nay mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật có hệ thống pháp luật tương đối nghiêm chỉnh, từ các thông tư, nghị định của chính phủ, đến các bộ, ngành.

Tuy nhiên, có một bộ phận người dân và doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận đã thực hiện không theo nguyên tắc, không đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch và phân phối sản phẩm ra thị trường. Điều này khiến nhiều trường hợp, dù đã phun đúng thuốc, đúng liều lượng, nhưng các chất cấm vẫn vượt ngưỡng cho phép.

Cần giải pháp gì?

Để nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản của Việt Nam, hạn chế và hướng tới không bị trả lại hàng xuất khẩu, các chuyên gia đều cho rằng, cần chú trọng tới việc nâng cao chất lượng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên liên quan, từ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu, nhà khoa học và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam”, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, trước mắt, cần bắt đầu từ việc lựa chọn giống cây trồng tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục tráng, lai tạo các giống cây trồng có chất lượng tốt, giá trị thương mại cao như xoài cát, sầu riêng hạt lép, bưởi da xanh...

Tiếp đến, đầu tư phát triển công nghệ thu hoạch - bảo quản - chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị cho nông sản xuất khẩu; đồng thời, tăng cường liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý để phát triển sản xuất quy mô lớn, đảm bảo chất lượng nông sản ổn định lâu dài.

Thêm vào đó, Nhà nước cần hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch thực vật; nghiên cứu và thông tin chính xác về nhu cầu thị trường để tổ chức sản xuất hợp lý và tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá mặt hàng nông sản đạt hiệu quả; đồng thời có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá vì lợi ích riêng.

Còn theo TS. Trần Thanh Tùng, bản thân doanh nghiệp phải nắm vững yêu cầu của nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL), danh mục thuốc sử dụng tại nước nhập khẩu. Đặc biệt chú ý thuốc cấm sử dụng từ nước nhập khẩu.

Để giải quyết tình trạng trên, TS Nguyễn Kim Vân cho rằng từ người nông dân, các doanh nghiệp đến bản thân cơ quan nhà nước phải cùng thay đổi. Trước hết, người nông dân cần phải tự nâng cao trình độ, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, tránh sử dụng quá nhiều các chất cấm.

Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự chủ động trong việc tìm kiếm thị trường và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật từ quốc gia đó vào thực tế để tạo ra hàng hóa chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải chủ động hơn nữa trong việc hướng dẫn người dân cũng như doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Trong khi đó, theo TS. Vân, chủ trương của Nhà nước, văn bản chính sách rất đầy đủ, nhưng nếu không sát sao trong quá trình thực hiện thì coi như chủ trương lớn đó cũng không có hiệu quả.

Chẳng hạn như vải Bắc Giang hiện nay chúng ta đã xuất khẩu đi nhiều nước. Tuy nhiên nếu không kiểm soát chặt chẽ, chỉ cần một địa phương nào đó áp dụng sai tiêu chuẩn kỹ thuật, hoặc nước sở tại kiểm tra thấy các chất cấm vượt ngưỡng thì ngay lập tức sản phẩm sẽ bị ách lại và ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của Việt Nam,

PGS, TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng khẳng định, việc tự nâng cao chất lượng là cách duy nhất để hàng hóa Việt Nam tồn tại và thâm nhập được vào thị trường các quốc gia khó tính như Mỹ và châu Âu.

“Nhiều nước yêu cầu Việt Nam xây dựng các phòng thí nghiệm có chất lượng, có trình độ tương đương như chất lượng của họ. Sau đó chuyên gia từ quốc gia này sẽ sang kiểm tra, giúp đỡ, đào tạo cho chúng ta. Khi kiểm tra đạt tiêu chuẩn sẽ đóng dấu để xuất khẩu sang nước sở tại. Nếu làm được như vậy thì sẽ không lo hàng hóa bị trả về hay bị phạt”, ông Thịnh chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, tại hội thảo “Các yêu cầu mới tiêu chuẩn chất lượng để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập”, đại diện Bộ Nông nghiệp Ấn Độ đưa ra câu chuyện doanh nghiệp nước này gặp khó xuất khẩu chè sang Iran, do dư lượng của một số thuốc bảo vệ thực vật trong chè nhập khẩu vượt quá MRL của Iran, có dư lượng một số kim loại nặng, độ tin cậy thấp của giấy chứng nhận GMP của nước này.

Giải pháp của Ấn Độ là đối thoại song phương, thuyết phục nhà nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng theo GAP và đánh giá rủi ro không cho thấy bất kỳ tác động nào lên sức khỏe của người tiêu dùng tại Iran.

Đồng thời cung cấp dữ liệu về 5 loại thuốc bảo vệ thực vật để sửa đổi mức MRL hiện có tại Iran cho thực tế hơn. Thiết lập MRL của các kim loại nặng nhất định theo quyên tắc ALARA mà không làm ảnh hưởng đến thương mại; giấy chứng nhận GMP có hiệu lực 3 năm, đánh giá chất lượng của các đơn vị xuất khẩu chè.

Tham khảo từ các nguồn:

https://baotintuc.vn/kinh-te/giai-phap-giup-nong-san-viet-nam-vuot-qua-hang-rao-ky-thuat-xuat-khau-20171102163957256.htm

http://www.24h.com.vn/thi-truong-tieu-dung/nhieu-lo-hang-bi-tra-ve-vikhong-hieu-luat-cua-my-c52a882224.html

http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/canh-bao-do-hang-viet-bi-my-tra-ve-lam-au-qua-3339112/