Sáng nay (ngày 16/04/2018), "Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông" đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia và chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về logistics

Thủ tướng cho biết, đây là một trong 15 hội nghị chuyên đề dự kiến được tổ chức trong năm nay để giải quyết một số vấn đề trọng yếu, nhằm vào 4 nội dung lớn là: nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và dịch vụ, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đặc biệt, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn.

“Chi phí vận tải đang đè nặng con tàu kinh tế”

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam với trị giá hàng tỷ USD. Đây cũng là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển.

Đồng thời, đây là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai, mà “ta không làm thì các nước bạn sẽ làm và đặc biệt, chúng ta chưa có doanh nghiệp mạnh làm logistics”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng Chính phủ, vấn đề logistics đã được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng và các bộ, ngành đã triển khai. Nhưng, cách tổ chức thực hiện thì vẫn còn hạn chế. Hiện nay, Việt Nam đang tổ chức vận tải giao thông đơn tuyến, đơn lẻ và chủ yếu theo hình thức đường bộ.

Tuy nhiên, “xe vận tải hàng hóa có đến 40%-50% xe quay về mà không chở hàng, làm sao chi phí lại không cao được”, Thủ tướng nói.

Đề cập đến hạn chế hiện nay của logistics, nhất là trong vấn đề chi phí, dẫn câu nói của một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ mà chân dung của ông được in trên tờ tiền được sử dụng phổ biến nhất là đồng 100 USD - Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn “con tàu” kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp”.

Thủ tướng cho rằng, phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Theo đánh giá của Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam tương đương với khoảng 20,9% GDP (trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%), gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển (Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%).

Gợi ý thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ 4 vấn đề với tinh thần làm rõ tồn tại, hạn chế của logistics và đặc biệt, cần tập trung vào các giải pháp thực thi hiệu quả . Cụ thể:

Thứ nhất, về thể chế, chính sách. Cần thảo luận làm rõ các quy định pháp luật hiện nay về logistics đã đủ chưa, cần sửa đổi, bổ sung quy định nào? Nhấn mạnh vai trò của kho bãi trong logistics, Thủ tướng nêu thực trạng có địa phương có cảng nội địa tốt, nhưng không dành vị trí tốt làm kho bãi, mà đưa kho bãi xa cảng, từ đó đẩy chi phí vận tải lên cao.

Thứ hai, về hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy phát triển logistics. Hiện nay, kết nối các tuyến giao thông với cảng, nhà ga, sân bay, cảng cạn... chưa được đồng bộ. Vậy cần điều chỉnh, bổ sung như thế nào? Làm sao để các trung tâm logistics, cảng trung chuyển kết nối hàng hóa (hệ thống bến cảng, sân bay...) phát huy được tiềm năng và lợi thế, phát huy hiệu quả các công trình đầu tư? Cần làm gì để nâng cao hiệu quả liên kết của các chủ đầu tư, các công trình trên cùng một khu vực?

Thứ ba, về tính kết nối của các loại hình vận tải. Cho rằng yếu kém trong kết nối các loại hình vận tải là một tồn tại ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết, vận tải đường thủy, đường sắt chi phí thấp, nhưng thị phần còn thấp (đường biển 4,7%, đường thủy nội địa 17,7%, đường sắt 0,39%), còn vận tải đường bộ chiếm tới gần 80%.

“Mà như vậy tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hư hỏng đường sá. Chúng ta có mấy đồng bạc làm đường này, đường kia, anh chở siêu trường, siêu trọng như vậy, thì đường nào chịu nổi, nếu không chuyển phương thức. Tồn tại này rất lớn mà các cấp, các ngành quán triệt, nhận thức để tổ chức”, Thủ tướng lưu ý.

Thứ tư, về phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phục vụ logistics. Thủ tướng nêu vấn đề về tính kết nối, chia sẻ cộng đồng của một số nhóm doanh nghiệp cùng hoạt động trong một tuyến, ngành hàng chưa hợp lý, như: tình trạng vận tải một chiều… Vì vậy, cần có nguồn nhân lực để phát triển dịch vụ logistics.

Cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống

Trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

“Tại Hội nghị hôm nay, các đại biểu cần quán triệt Kế hoạch hành động này để triển khai, nhất là một số ngành then chốt. Bàn tay Nhà nước cần xắn vào đây. Cho nên, tôi và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng, các cơ quan của Đảng, Quốc hội có mặt ở đây hôm nay để thảo luận, làm thông suốt vấn đề này hơn trong cấp ủy, chính quyền các cấp”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng mong muốn, các đại biểu cần kiến nghị các định hướng lớn, các nhiệm vụ cụ thể, có nhiệm vụ trước mắt, có nhiệm vụ lâu dài để thực hiện chủ trương phát triển dịch vụ logistics, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistics.

Nhấn mạnh tinh thần tổ chức hội nghị thì phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, Thủ tướng cho biết, sau hội nghị, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị về phát triển logistics.

Thủ tướng cũng yêu cầu, cần phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp. Đồng thời, phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực.

Thủ tướng nhấn mạnh: mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam đang chiếm 20,9% GDP

Để làm được điều này, Thủ tướng cho rằng, cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics. Theo đó, Nhà nước cần đóng vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics - một khâu yếu của nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ, việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là giảm chi phí logistics phải được quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả với các hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ cần chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại tự do lớn trên thế giới và khu vực.

Cổng Thông tin thương mại của Việt Nam phải duy trì hoạt động tốt hơn nữa để tăng cường tính cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành với hàng hóa xuất - nhập khẩu là điều rất cần thiết với tinh thần hậu kiểm hơn là tiền kiểm.

Bên cạnh đó, cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành giao thông vận tải và công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm: (1) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; (2) Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; (3) Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; (4) Phát triển thị trường dịch vụ logistics; (5) Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, triển khai các nhiệm vụ, trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Thủ tướng giao 10 nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải, 7 nhiệm vụ với Bộ Công Thương, 3 nhiệm vụ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 nhiệm vụ đối với Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Đối với các địa phương, người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn, từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng liên quan cần căn cứ vào quy định của pháp luật, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ để định hướng thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế, gắn kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Đồng thời, nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao.

Các doanh nghiệp logistics cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá phí các dịch vụ.

Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan, các đại biểu tại hội nghị, đưa vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới./.