Cụ thể, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong số các nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết 01, 19, 35 và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ. Tinh thần là phải quyết liệt vào việc, quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm, tăng cường kỷ luật kỷ cương; xử lý các vấn đề đặt ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt.

Tiếp tục bám sát và triển khai các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, đồng thời lưu tâm tới một số yếu tố như bối cảnh kinh tế thế giới, xung đột thương mại giữa các nước, biện pháp bảo hộ thương mại của các đối tác lớn, diễn biến điều chỉnh lãi suất của Mỹ, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nước trên thế giới, diễn biến giá dầu thế giới,...

Trong đó, mục tiêu tăng trưởng có thể đạt được nhưng chúng ta vẫn phải bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Chúng ta không được chủ quan, cần phải nỗ lực quyết tâm cao, cùng với những giải pháp đã đề ra, phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên 6,7% nhưng phải bảo đảm kiểm soát lạm phát.

”Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành để làm sao lạm phát dưới 4% phải được quán triệt ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Tinh thần là không tăng giá điện trong năm nay; chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp”, người phát ngôn của Chính phủ cho biết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018

Cũng đánh giá về công tác điều hành giá, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hôm nay (2/6), Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá rất tốt việc điều hành về giá cả trong 5 tháng qua của các cơ quan có liên quan và đặc biệt là của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ trực tiếp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.

Với mức tăng CPI 0,55% trong tháng 5/2018 thì đây là mức tăng lớn nhất trong 6 năm qua. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo là từ nay đến cuối năm, chúng ta cố gắng đạt được mức Quốc hội giao cho Chính phủ là tăng CPI dưới 4%.

“Liên quan đến những mặt hàng thiết yếu có thể ảnh hưởng rất lớn không những đến CPI mà trước hết đến sản xuất của các doanh nghiệp kinh doanh, người làm nghề, người dân, người tiêu dùng… như mặt hàng điện, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo cố gắng từ nay đến cuối năm không tăng giá điện”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Còn đối với mặt hàng xăng dầu, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là một trong những mặt hàng hiện nay chúng ta đã điều hành theo cơ chế thị trường và có sự quản lý và điều hành của Nhà nước, nên chúng ta mua đắt thì bán đắt, mua rẻ bán rẻ, nhưng rất ưu tiên sử dụng các biện pháp bình ổn.

Cho nên trong 5 tháng vừa qua, tính trung bình so với 5 tháng của năm 2017, các mặt hàng giá xăng dầu tăng khoảng 28%-38%.

Tuy nhiên, “do chúng ta sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu và chúng ta đã chi để bù vào giá tăng, như vậy là giá tháng 5 vừa qua là mức cao nhất trong 5 tháng, nhưng so với cuối tháng 12/2017 thì giá xăng dầu chỉ tăng có 9,3%. Còn số chính xác chỉ là 1.697 đồng, chưa đến 1.700 đồng. Đây là cố gắng điều hành rất lớn của liên bộ Công Thương - Tài chính”, ông Hải nhận định.

Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho liên Bộ là, từ nay đến cuối năm phải tập trung dùng quỹ bình ổn và các biện pháp khác để cố gắng tăng mức xăng dầu thấp nhất./.