Cả nước mới chỉ có 83 chợ đầu mối

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Duy Đông cho biết, chợ đầu mối có vai trò chủ yếu thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn để tiếp tục phân phối tới các chợ dân sinh và các kênh lưu thông khác. Do vậy, chợ đầu mối có vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất tập trung và tiêu thụ hàng hóa, là nguồn cung cấp chủ yếu đặc biệt là hàng nông sản cho thị trường tiêu thụ tại các thành phố lớn.

Ngày nay, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và các dịch vụ kèm theo thì hoạt động của mạng lưới chợ nói chung, chợ đầu mối nói riêng, vẫn tiếp tục thể hiện và khẳng định chức năng của mình trên thị trường.

Chợ đầu mối là một kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng; góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển; góp phần nâng cao năng lực kinh doanh của các nhà bán buôn, bán lẻ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước; tham gia bình ổn giá thị trường; giải quyết việc làm cho nhiều lượt lao động trên địa bàn chợ hoạt động; là nơi kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng nhằm đảm bảo chất lượng hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng…

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo

Thông tin cụ thể hơn về thực trạng chợ và chợ đầu mối ở nước ta hiện nay, ông Nguyễn Văn Hội – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn.

Đa phần là các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ. Tuy nhiên, số lượng chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom, phát luồng hàng hóa trên cả nước còn khiêm tốn (cả nước có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ của cả nước).

Các tỉnh tập trung nhiều chợ đầu mối là: Thanh Hóa (11 chợ), Quảng Bình (11 chợ), Hà Nội (6 chợ), Đồng Tháp (3 chợ), Tiền Giang (3 chợ), Hưng Yên (4 chợ), Hồ Chí Minh (3 chợ), Nam Định (3 chợ)..., chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp.

Các chợ đầu mối được hình thành và tập trung chủ yếu ở vùng có quy mô dân số lớn, có nhiều cơ sở tiêu thụ lớn, vừa là đầu mối giao thông với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển hoặc vùng sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn và cơ cấu đa dạng. Phạm vi ảnh hưởng chính của các chợ đầu mối là liên tỉnh và liên vùng.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Hội, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển và quản lý chợ nói chung và chợ đầu mối nói riêng thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, như: Cơ sở vật chất của đại đa số các chợ còn yếu kém, lạc hậu; Công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm; Việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ rất khó khăn; công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của hàng hóa; phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường chợ, các dịch vụ cung cấp tại chợ còn rất hạn chế.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nguyên nhân của hạn chế này là do: Nhận thức chưa đúng, chưa đủ và chưa thống nhất về vị trí, vai trò cũng như tiềm năng của thương mại, do đó, đầu tư cho hạ tầng thương, trong đó có chợ đầu mối chưa được quan tâm. Ngoài ra, quy hoạch ngành chưa gắn với quy hoạch vùng lãnh thổ, nên thiếu mặt bằng thuận lợi để bố trí hoạt động thương mại. Tại một số địa phương, một số quy hoạch còn mang tính định hướng hoặc chưa đồng bộ (với các quy hoạch ban hành sau này), dẫn đến thực tế triển khai còn lúng túng, khó thực hiện

Chú trọng về mặt chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới

Vì vậy, để phát triển chợ đầu mối ở Việt Nam hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Hội, cần giải quyết một số vấn đề sau:

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển chợ đầu mối.

Hai là, bố trí quỹ đất đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng chợ đầu mối với đầy đủ các khu chức năng.

Ba là, đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất của chợ đầu mối khang trang, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bốn là, thay đổi phương thức mua bán, giao dịch tại chợ đầu mối theo hướng hiện đại, phát triển các dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, giám định chất lượng hàng hóa và các dịch vụ thương mại khác tại chợ đầu mối.

Năm là, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ và áp dụng các phương thức truy xuất hàng hóa kinh doanh tại chợ đầu mối.

Sáu là, tăng cường quản lý và cải thiện tình hình vệ sinh môi trường của chợ đầu mối.

Mặt khác, trong điều kiện mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế, chợ đầu mối hiện nay không những phải chú trọng phát triển về mặt số lượng, mà đặc biệt cần chú trọng về mặt chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh mới. Bên cạnh việc mở rộng quy mô, chợ đầu mối cần chú trọng tổ chức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tăng cường các dịch vụ phụ trợ, các khu chức năng.

Đề xuất giải pháp để phát triển chợ đầu mối theo hướng hiện đại, hội nhập với kinh tế quốc tế, ông Bùi Bá Chính, Phụ trách Trung tâm Mã số mã mạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, để đảm bảo được mối liên kết, sự giao lưu chợ đầu mối của Việt Nam với các nước trên thế giới, các cơ sở kinh doanh trong chợ đầu mối cần phổ cập mã số mã vạch dán trên các sản phẩm.

Hiện nay, Trung tâm đang xây dựng dự án kết nối với hơn 100 thành viên trong Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế (GSI). Sau khi được kết nối, các sản phẩm sẽ truy xuất được nguồn gốc trên toàn thế giới. Đây thực sự là vấn đề quan trọng đối với các cơ sở kinh doanh trong chợ đầu mối và các doanh nghiệp nói chung trong bối cảnh hội nhập hiện nay, bởi một số sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới đều có yêu cầu bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, việc sử dụng mã số mã vạch sẽ giúp các doanh nghiệp có được niềm tin lớn hơn từ người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang nhức nhối.

Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm phát triển chợ đầu mối của Tây Ban Nha, ông Ricardo Lopez Pietsch, đại diện Tập đoàn Mercasa cho biết, Mercasa là một công ty nhà nước được thành lập năm 1966 với mục tiêu là xây dựng và quản lý các chợ đầu mối ở Tây Ban Nha.

Mercasa không mua hoặc bán kinh doanh sản phẩm, chỉ quản lý và duy trì cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ cho các công ty kinh doanh tại chợ. Đồng thời, Tập đoàn cũng hỗ trợ phát triển các hoạt động của các công ty kinh doanh tại chợ trong điều kiện tốt nhất.

Tính đến hết năm 2017, Mercasa sở hữu và quản lý 23 chợ đầu mối đang hoạt động tại Tây Ban Nha. Có thể nói, một trong những thành công đáng chú ý nhất của Tập đoàn là đảm bảo sự hiện diện của nông dân như người bán, tại các chợ bán buôn ở những vùng mà nông nghiệp là quan trọng, trong khu vực dành riêng cho các nhà sản xuất.

Hiện nay, hệ thống chợ đầu mối ở Tây Ban Nha có đầy đủ các kho và kho lạnh, khu dịch vụ phụ trợ, khu vệ sinh và tái chế… Việc kiểm tra, giám sát sức khỏe được thực hiện liên tục và có sự hiện diện của các thanh tra thú y, để đảm bảo rằng các cơ sở, quy trình và xử lý sản phẩm tuân thủ các yêu cầu của quy định hiện hành và thực hành tốt về vệ sinh.

Mercasa đã xây dựng và cải cách hơn 170 chợ bán lẻ tại Tây Ban Nha. Tập đoàn đã hiện đại hóa chợ đô thị bao gồm cải thiện cấu trúc, tạo ra các dịch vụ cung cấp thông tin, chương trình đào tạo cho các nhà bán lẻ, quản lý chuyên nghiệp, chiến dịch quảng cáo. Đồng thời, quảng cáo, truyền thông, đào tạo, ấn phẩm, tiếp thị thể chế và thông tin giá cả./.