Ngày 8/8/2018, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Công Thương tổ chức Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu. Hội thảo nhằm tìm giải pháp giúp doanh nghiệp phát huy năng lực sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, kết nối chuỗi cung ứng xuất khẩu toàn cầu.

Xuất khẩu tăng trưởng khá

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Quý, Tổng Biên tập Báo Công Thương cho biết, thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã tăng mạnh về quy mô, năng lực sản xuất hàng xuất khẩu không ngừng được mở rộng, tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu. 2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Việt Nam cũng đã thực hiện đúng lộ trình của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2020, định hướng 2030.

Năm 2018, tình hình xuất khẩu được nhận định tiếp tục có những cơ hội để tăng trưởng khi các cam kết hội nhập được triển khai sâu rộng giúp thuế xuất nhập khẩu tiếp tục giảm sâu. Những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh góp phần khơi thông nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh trong nước cũng sẽ tạo động lực xuất khẩu.

Tính đến hết tháng 7/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 264,32 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 133,69 tỷ USD. Xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cho cả năm 2018, bằng 56,5% kế hoạch năm.

Song, chưa tận dụng chuỗi liên kết

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, bức tranh kinh tế với kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức cao là một điểm sáng. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cao, nhưng đóng góp lại chủ yếu đến từ khu vực FDI (chiếm hơn 70%), trong khi sự tham gia của các doanh nghiệp Việt còn mờ nhạt và hạn chế.

Chỉ ra nguyên nhân, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, hầu hết công đoạn giá trị gia tăng cao như đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi… đều nằm ngoài Việt Nam và những dịch vụ quan trọng thường do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp.

Bên cạnh đó, sản phẩm nông sản chủ yếu xuất khẩu thô, chưa có thương hiệu nên dễ rơi vào tình trạng được mùa, rớt giá.

"Vấn đề chính của doanh nghiệp là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính. Thiếu tính lan tỏa từ đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước. Rất ít doanh nghiệp kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu", bà Phạm Chi Lan nhận xét.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Công ty Chè Thế Hệ Mới đánh giá, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô rất nhỏ, không đủ tiềm lực đầu tư vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến sâu và thiết bị đóng gói hiện đại. Doanh nghiệp cũng chưa có cái nhìn toàn cầu hóa, không hiểu hết hệ thống phân phối, văn hóa tiêu dùng của nước nhập khẩu. Mặt khác, kiến thức về quản lý sản xuất, thương hiệu, luật pháp nước nhập khẩu… rất hạn chế.

Lấy ví dụ ngành dệt may, kim ngạch xuất khẩu mặc dù đã tăng từ 15,8 tỷ USD năm 2011 lên 31 tỷ USD năm 2017, song nhiều khâu và công đoạn vẫn theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói nên giá trị gia tăng còn thấp. Đặc biệt, ngành dệt may đang phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Dẫn số liệu từ thực tế, ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty Sợi Thế Kỷ cho biết, giá trị nhập khẩu khẩu vải năm 2017 là 11,4 tỷ USD, thì có gần 54% là vải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với gần như hầu hết các đối tác thương mại lớn. Trong các hiệp định thương mại này, thuế suất nhập khẩu sợi, vải và hàng may mặc đều rất ưu đãi so với đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc.

"Nếu cứ tiếp tục lệ thuộc vào nguồn cung sợi và vải của nước ngoài, thì Việt Nam sẽ rất khó hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan của Nhật Bản, EU, Canada...", ông Hòa nhấn mạnh.

Ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty Sợi Thế Kỷ trình bày tại hội thảo

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị

Nhìn vào bức tranh chung, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang có nhiều cơ hội để tăng trưởng và khẳng định vị thế cao hơn trên thị trường, nhất là những mặt hàng nông, lâm sản.

Nói rõ hơn, theo ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Công ty Chè Thế Hệ Mới, từ trước đến nay chúng ta rất kém trong khâu chế biến sau thu hoạch, nên xuất khẩu nông sản chủ yếu dưới dạng thô.

Do vậy, để giải được bài toán được mùa mất giá hoặc điều tiết giá trên thị trường, bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư rất sâu cho công nghệ, liên kết sản xuất, qua đó mới có thể nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu của sản phẩm.

"Điều này nói thì dễ nhưng làm không đơn giản, vì để chế biến sâu phải có công nghệ rất tốt để các sản phẩm vẫn giữ được sự tươi mới, cũng như đóng gói để tỷ lệ thất thoát nhỏ nhất...," ông Tuân lưu ý.

Bên cạnh vai trò của yếu tố công nghệ, ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Chiến lược Công ty Infiniti Blockchain Labs cho rằng, việc xây dựng thương hiệu gắn liền với niềm tin người tiêu dùng là điều cần chú trọng.

Trong đó, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yếu tố cần thiết, giúp người tiêu dùng kiểm chứng được đâu là sản phẩm tốt, sản xuất theo đúng quy trình, từ đó giúp bảo đảm nguồn cung minh bạch, là bước tiến quan trọng để nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bản thân các doanh nghiệp cần tăng mức độ linh hoạt và khả năng nắm bắt các cơ hội thị trường trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh và mạnh. Đối với các doanh nghiệp lớn, cần cải thiện hệ thống quản trị, sự gắn kết và bổ trợ nội bộ, cũng như liên kết với doanh nghiệp khác.

Đặc biệt, theo bà Lan, chất lượng sản phẩm (từ quy trình sản xuất đến việc áp dụng khoa học công nghệ…) là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy sự tham gia vào chuỗi giá trị, không chỉ liên kết giữa sản xuất với sản xuất, mà còn giữa sản xuất và dịch vụ. Tham gia chế biến sâu, chế tác sản phẩm hỗ trợ theo tinh thần kinh tế chia sẻ, tuần hoàn…

Ngoài ra, không thể không nhắc đến vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Tuân gợi ý, nhà nước cần xây dựng hình ảnh, định vị một số ngành hàng có thế mạnh; có một chương trình táo bạo, mạnh mẽ đầu tư cho hướng xuất khẩu giá trị gia tăng.

“Cần có một giải pháp tổng thể, chú không thể vay mượn công nghệ, máy móc nước ngoài để sản xuất giá trị gia tăng như hiện nay được”, ông Tuân kiến nghị./.