Thời đại của du lịch thông minh

Sáng ngày 29/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với MobiFone tổ chức Hội thảo “Ứng dụng giải pháp công nghệ số cho du lịch thông minh tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”.

Sự kiện này là nằm trong chuỗi chương trình mà VCCI đã và đang tổ chức nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ thông tin tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh tầm quan trọng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ số cho du lịch thông minh.

Đại diện VCCI cho rằng, việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông minh giúp du lịch Việt Nam phát triển du lịch bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.

Du lịch thông minh được xây dựng trên nền tảng của công nghệ thông tin - truyền thông, qua đó, bảo đảm sự tương tác giữa nhà quản lý - doanh nghiệp và khách du lịch; ứng dụng công nghệ phục vụ nhu cầu khách du lịch. Hiện nay, một số doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã từng bước ứng dụng công nghệ phục vụ khách du lịch trong việc hướng dẫn tham quan, đặt phòng, đặt tour…

Theo ông Vũ Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch, mặc dù còn mới mẻ, nhưng những nền tảng bước đầu này hứa hẹn những bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Ông Vũ Quốc Trí trình bày tại hội thảo/Ảnh: Xuân Tấn

Ông Trí cũng khẳng định, sự bùng nổ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 với những đột phá về công nghệ và trí tuệ nhân tạo dự báo sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ các hoạt động trong ngành du lịch.

Có thể thấy rõ điều này qua báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong năm 2017, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua việc tham khảo thông tin điểm đến trên mạng Internet chiếm 71%. Ngoài ra, lượng du khách quốc tế đặt và mua dịch vụ trên mạng cho chuyến đi đến Việt Nam chiếm 64%.

Khai thác tốt lợi thế từ công nghệ thông tin

Cũng theo Tổng cục Du lịch, hiện nay có gần 100% các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sử dụng website giới thiệu quảng bá sản phẩm, song chỉ có trên 50% số doanh nghiệp trong nước áp dụng thành công việc bán hàng, thanh toán online. Hơn nữa, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 10 sàn giao dịch điện tử về du lịch, chiếm khoảng 20% các sàn giao dịch dịch vụ, còn lại toàn bộ đều là sàn giao dịch điện tử nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, theo ông Trí, Việt Nam chỉ có thể đạt được mục tiêu đứng đầu về du lịch trong khu vực Đông Nam Á khi ngành công nghiệp không khói biết cách khai thác những lợi thế từ việc ứng dụng công nghệ thông tin.

“Để tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0, ngành du lịch cần nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên các chương trình chiến lược phù hợp và trên cơ sở đó ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, tạo môi trường hệ sinh thái du lịch thông minh”, ông Vũ Quốc Trí khẳng định.

Ngoài ra, đại diện một số công ty du lịch cũng đề xuất, các cơ quan quản lý cần có chính sách thông tin; phát triển và hoàn thiện các phần mềm ứng dụng và chính sách du lịch quốc gia, khu du lịch, điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ mới…. giúp cho doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm, dịch vụ du lịch tại điểm đến; đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách du lịch.

Là nhà cung cấp các dịch vụ viễn thông, giải pháp công nghệ công nghệ thông tin – truyền thông, ông Đỗ Hoàng Hải, Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh – Trung tâm Công nghệ thông tin MobiFone đã chia sẻ một số dịch vụ và giải pháp mới, phù hợp với các doanh nghiệp giải quyết bài toán tiếp cận với Cách mạng Công nghiệp 4.0 của ngành du lịch.

Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp giám sát hành trình nhân viên - mTracker và giải pháp tổng đài chăm sóc khách hàng và bán hàng Cloud Contact Center - 3C. Đây là ứng dụng di động MobiFone mTracker trên nền tảng Cloud giúp doanh nghiệp định vị vị trí hiện tại, giám sát lộ trình hoạt động của nhân viên và quản lý điểm trên tuyến.

Cùng với công nghệ GPS và LBS mới nhất hiện nay, MobiFone mTracker còn giúp người quản lý thu được dữ liệu giám sát nhân viên theo từng thời điểm đã lên kế hoạch trước. Ưu điểm của mTracker chính là doanh nghiệp không cần tốn chi phí đầu tư ban đầu mà có thể sử dụng ngay thiết bị di động của nhân viên. Ứng dụng giúp định vị chính xác bằng hai công nghệ GPS (Global Positioning System) và LBS (Location Based Service). Nhờ vậy, không cần có GPS và 3G/4G/Wifi/Internet, người quản lý vẫn có thể xác định vị trí, hành trình của nhân viên.

Những dịch vụ viễn thông và giải pháp công nghệ từ MobiFone hứa hẹn là cánh tay đắc lực để cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu ngày càng cao, càng nhanh của du khách trong thời đại mới./.