Năm 2018, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, mặc dù việc triển khai Cơ chế Một cửa Quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song kết quả triển khai vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2017, số lô hàng bị kiểm tra chuyên ngành chiếm khoảng 19% tổng số lô hàng xuất nhập khẩu.

Hiệu lực hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp, còn nhiều chồng chéo và trùng lặp; phí kiểm tra xuất nhập khẩu còn cao.

Mục tiêu của ngành Hải quan đặt ra là đến 2020, 100% các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế Một cửa Quốc gia.

Đến năm 2020, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được thực hiện theo nguyên tắc chỉ kiểm tra tại cửa khẩu đối với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, môi trường đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, phải kiểm dịch hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Đối với các mặt hàng khác, việc kiểm tra về chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy chuyển sang hậu kiểm hoặc dựa trên đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, mức độ rủi ro của hàng hóa theo từng thời kỳ và phải dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể; trường hợp không thể ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thì phải có phương pháp kiểm tra công khai, minh bạch.

Riêng trong năm 2018, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành phấn đấu hoàn thành kết nối 138 thủ thủ tục hành chính thông qua, trong đó hoàn thành ít nhất 130 thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ.

Phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, chứng từ để áp dựng tối đa chứng từ điện tử; trình Thủ tướng Chính phủ việc kiện toàn Ủy ban chỉ đạo 1899 theo hướng bổ sung thêm nhiệm vụ điều phối, phát triển logistics; xây dựng và triển khai đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới; xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá độc lập từ phía cộng đồng doanh nghiệp đối với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của các Bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ; Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin...

Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá, xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục cải cách kiểm tra chuyên ngành; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai đề án thí điểm áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan.../.