2018 - Năm chuyển mình mạnh mẽ của Bộ Công Thương

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, năm 2018 tiếp tục là năm chuyển mình mạnh mẽ của ngành Công Thương. Trong đó, hoạt động xuất - nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng.

Cụ thể, quy mô xuất - nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 480 tỷ USD. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. Xuất khẩu tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7%-8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8%-10%). Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 3 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 ước đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%; Thặng dư thương mại năm 2018 đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với tăng trưởng GDP chung cả nước, thương mại trong nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được các chỉ tiêu của ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt khoảng 4.395,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra năm 2018 là tăng 10-10,5% so với năm 2017. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm nay ước tính đạt 3.306,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,21% tổng mức và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, Bộ Công Thương được đánh giá là một trong những bộ đi đầu trong công tác cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Bộ đã hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP, ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Về công tác hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã có những bước đi khá vững chắc để đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, giúp nền kinh tế có khả năng chống chọi tốt hơn với các biến động trên quy mô toàn cầu trong bối cảnh xung đột thương mại đang diễn ra trên bình diện quốc tế.

Ngày 10/11/2018, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Không tăng giá điện dịp Tết nguyên đán

Trả lời báo chí về vấn đề tăng giá điện trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, năm 2018, Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tức là năm 2018 không tăng giá điện.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, năm 2018, Bộ Công Thương đã không tăng giá điện

Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, năm 2019 sẽ xem xét việc điều chỉnh giá. Bộ Công Thương cũng đã có đề xuất, từ nay đến Tết và thời gian ngắn ngay sau Tết sẽ không tăng giá điện.

Về phương án điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, giá các mặt hàng thiết yếu sẽ dần được vận hành theo giá thị trường. “Một mặt, chúng tôi xem xét việc vận hành giá điện những năm 2017, 2018 để có đề xuất cụ thể về mức điều chỉnh giá điện ra sao để giá điện vận hành theo thực tiễn nhưng vẫn theo quy định thị trường. Mặt khác, chúng tôi cũng đã đề xuất Tổng Công ty Điện lực Việt Nam tìm cách cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, đảm bảo công khai minh bạch việc tính giá điện cũng như đảm bảo chi phí để tạo thành giá điện”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Ông Hải cho biết sẽ xem xét kỹ chi phí phát sinh thực tế việc sản xuất điện, những vấn đề tồn đọng như chênh lệch tỉ giá trong các hợp đồng mua bán điện từ năm 2015-2018 để đảm bảo đưa giá theo đúng quy luật thị trường.

Trước đó, lần tăng giá điện gần nhất là đầu tháng 12/2017 với mức tăng ở mức 6,08%.

Bộ sẽ sớm cung cấp thông tin về CPTPP

Liên quan đến nội dung Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, một số báo chí cho rằng Bộ Công Thương dường như chậm cung cấp thông tin về Hiệp định này, đặc biệt là cung cấp thông tin về cơ hội và thách thức để từ đó doanh nghiệp có sự chuẩn bị.

Trả lời vấn đề này, đại diện Vụ Chính sách thương mại Đa biên lý giải, trước khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực vào ngày 14/1/2019, thì từ ngày 11/1/2019, Bộ Công Thương đã đăng toàn bộ thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh về hiệp định trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ http://moit.gov.vn. Các thông tin này bao gồm 13 bài về giới thiệu chung Hiệp định CPTPP. Cụ thể, giải thích cam kết của Việt Nam trong Hiệp định này; những cơ hội và thách thức của CPTPP cũng như các câu hỏi thường gặp.

Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để xây dựng một cổng thông tin điện tử bao gồm tất cả các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia, trong đó có CPTPP để người dân tra cứu dễ dàng hơn.

CPTPP là hiệp định có chất lượng cao và toàn diện. Bộ Công Thương không phải Bộ duy nhất tham gia đàm phán Hiệp định này, mà còn có nhiều bộ, ngành khác liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong quá trình xây dựng Dự thảo kế hoạch hành động thực thi Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, sau đó căn cứ Luật Quốc tế năm 2016, ngày 27/12/2018, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP để Thủ tướng Chính phủ xem xét và thông qua trong thời gian sớm nhất, sau đó có thể công bố công khai với người dân và doanh nghiệp về Hiệp định này.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương còn có một đơn vị là Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban chỉ đạo. Văn phòng có nhiệm vụ chỉ đạo, kết nối về hội nhập. Kể cả khi đã hội nhập rồi thì việc triển khai thế nào, các bộ, ngành, địa phương thực hiện ra sao, có rất nhiều đại diện của các địa phương, bộ ngành là thành viên của Ban chỉ đạo cùng giải quyết./.