Sáng nay, ngày 20/03/2019, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã tổ chức Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam. Diễn đàn đã thu hút được đông đảo người tham dự, giới truyền thông.

Toàn cảnh diễn đàn

Phát biểu khai mạc, PGS, TS. Lê Xuân Đình nêu rõ, Diễn đàn Đầu tư Tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam ngày hôm nay nhằm mục đích tạo diễn đàn đa chiều để các nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra cho thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay.

Ông Đình nêu rõ, kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngày 11/01/2007, đến nay đã tròn 13 năm. Theo lộ trình đã cam kết, thì đến nay thị trường bán lẻ đã mở cửa hoàn toàn.

PGS, TS. Lê Xuân Đình Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu khai mạc diễn đàn

“Nỗi lo lớn nhất từ thời gian mới bắt đầu hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới là chúng ta thua trên sân nhà trong cạnh tranh thị trường bán lẻ. Nhưng đến nay nhìn lại, bên cạnh những hạn chế cần tiếp tục khắc phục, vượt qua, thì nhiều thay đổi tích cực của thị trường bán lẻ đã tác động lớn đến tiêu dùng của người dân cũng như phương thức phân phối sản phẩm của các nhà sản xuất, cung cấp”, ông Đình nhận định.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển thị trường thương mại trong nước. Trong những năm qua, thương mại trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.

Trong giai đoạn từ năm 2006-2018, đóng góp bình quân của thương mại trong nước trong GDP đều đạt mức trên 10%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội (đứng thứ ba sau ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo).

Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh với nhiều hình thức ngày càng đa dạng, phong phú, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại rộng lớn.

Hiện nay, cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Các doanh nghiệp trong nước chiếm phần lớn thị trường bán lẻ Việt Nam như: Hệ thống kinh doanh tổng hợp có Co.op Mart, Vinmart, Fivimart, SaigonCoop, SatraMart, Hapromart… Ngoài ra, thị trường còn có sự tham gia của các nhà bán lẻ có thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan), Metro (Đức)...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta trong giai đoạn 2011-2015 có mức tăng 11,38%/năm; giai đoạn 2016-2018 tăng 10,55%/năm. Tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 14%/năm.

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập:

- Thị phần bán lẻ bằng các hình thức kinh doanh hiện đại ở nước ta vẫn còn thấp so với khu vực, mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Con số đó thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%.

- Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tai các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ, chủ yếu là các cửa hàng, hộ kinh doanh cá thể, gánh hàng rong phát triển.

- Tầm vĩ mô còn thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi.

- Hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và tương xứng với nhu cầu của khách hàng.

- Thói quen của người tiêu dùng như thích hàng ngoại… cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn gặp phải nhiều vướng mắc từ chính sách và thực thi chính sách của Nhà nước.