Đây là khẳng định của ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại Diễn đàn Đầu tư Tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với VECOM và Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức sáng nay (20/3) tại Hà Nội.

Ngành bán lẻ đang phát triển mạnh mẽ

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết: “Trong những năm qua, thương mại trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế”.

Theo PGS, TS. Lê Xuân Đình, thương mại trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm

Làm rõ những kết quả đạt được của thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh”.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2015 đến 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5-10,9%. Trong khi đó, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017 và là mức tăng đột phá và cao nhất trong 05 năm trở lại đây.

Thị trường bán lẻ ở các thành phố, các đô thị phát triển với các hình thức tổ chức văn minh hiện đại; thị trường bán lẻ ở vùng nông thôn cũng được quan tâm phát triển, mở rộng với đa dạng các loại hình, thương mại điện tử bán lẻ đã bước đầu phát triển mạnh mẽ.

Công tác quản lý thị trường, truy xuất nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động kinh doanh về cơ bản được bảo đảm, chất lượng hàng hóa được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.

Bà Lê Việt Nga đánh giá, thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển khá mạnh trong những năm gần đây

Về phát triển cơ sở hạ tầng bán lẻ, hệ thống hạ tầng thương mại có sự biến chuyển phù hợp với phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập. Mạng lưới chợ phát triển theo quy hoạch, hạn chế được tình trạng tự phát tại các địa phương, từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng.

“Nếu năm 2010, cả nước có khoảng 8.500 chợ, hơn 500 siêu thị thì đến năm 2018 có khoảng 8.600 chợ, 1.000 siêu thị, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá nhanh ở các thành phố lớn”, bà Nga thông tin.

Song, thị phần còn thấp so với khu vực

Mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể trong thời gian qua, song vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. PGS, TS. Lê Xuân Đình chỉ ra, thị phần bán lẻ bằng các hình thức kinh doanh hiện đại ở nước ta vẫn còn thấp so với khu vực, mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Con số đó thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%.

Mặt khác, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và tương xứng với nhu cầu của khách hàng.

Bổ sung thêm, bà Lê Việt Nga nhận định, thách thức lớn nhất hiện nay đó là việc các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam (nhất là các nhà bán lẻ nhỏ và vừa hiện đang chiếm trên 90% số lượng nhà bán lẻ) phải cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới và khu vực đang thâm nhập rất mạnh thị trường Việt Nam. Thực tế, các nhà bán lẻ trong nước, đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu thốn từ vốn đến con người, trang thiết bị và thông tin để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia và xuyên quốc gia.

Đó là chưa kể, các doanh nghiệp nước ngoài với lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý và hệ thống hoạt động đã được kiểm chứng qua nhiều thị trường khác nhau.

Thêm vào đó, hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật phát triển thị trường bán lẻ nói riêng và thương mại trong nước nói chung về cơ bản đã được hình thành nhưng chưa đầy đủ, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật chuyên ngành khác; hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật tại các địa phương chưa đạt hiệu quả cao, chưa theo kịp với xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ thế giới và thực tiễn phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam.

Một thách thức khác đối với bản thân người tiêu dùng Việt Nam, nhất là các nhóm người tiêu dùng tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - nhóm người có thu nhập thấp trước những nguy cơ và rủi ro về bảo vệ quyền lợi của mình.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký VECOM đánh giá, hiện nay hành vi của người mua hàng phức tạp và đa dạng hơn rất nhiều, do sự phát triển của công nghệ. Chính yếu tố công nghệ làm thay đổi hành vi và quyền lực của người mua hàng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ hiện nay chưa đầu tư cho công nghệ một cách thỏa đáng, bởi họ cho rằng việc ứng dụng công nghệ là đắt đỏ, chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn. Mặc dù vậy, trên thực tế, chỉ dưới 1 triệu đồng, doanh nghiệp có thể đầu tư cho ứng dụng công nghệ.

“Công nghệ mang lại cơ hội tăng trưởng không giới hạn. Nếu không ứng dụng công nghệ sẽ bỏ qua khoảng 70% lượng khách hàng”, ông Tuyến khẳng định.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký VECOM cho rằng, chính yếu tố công nghệ làm thay đổi hành vi và quyền lực của người mua hàng

Công nghệ sẽ là chìa khóa thành công

Trong thời gian tới, để phát triển thị trường bán lẻ trong nước gắn liền với phát triển bền vững, bà Lê Việt Nga kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững; chú trọng tăng tổng cầu trong nước, đẩy mạnh các hoạt động gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ; đa dạng hóa các kênh phân phối, bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online và phát triển mạnh thương mại điện tử; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại bán lẻ…

Các hiệp hội liên quan trực tiếp tới bán lẻ cần xem xét nghiên cứu kiện toàn bộ máy tổ chức, mô hình hoạt động, chủ động, sáng tạo trong hoạt động của hiệp hội, nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng phát triển mới của thị trường bán lẻ trong nước và quốc tế để thực hiện tốt chức năng hỗ trợ phát triển và bảo vệ lợi ích thành viên; cung cấp thông tin, hỗ trợ nghiên cứu thị trường, marketing và xúc tiến thương mại cho hội viên…

Phía các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại bán lẻ cần tăng cường quản trị chiến lược doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng; nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm, tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả offline và online để quản trị quan hệ khách hàng (CRM) hiệu quả…

Bản thân người tiêu dùng cần nhận thức rõ và biết sử dụng quyền của mình để thỏa mãn nhu cầu mua sắm, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân và tham gia có trách nhiệm trong phát triển thị trường bán lẻ, phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Toàn cảnh diễn đàn

Đại diện cho Hapro - một trong những nhà bán lẻ hàng đầu trong nước, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc thường trực Hapro đề xuất, Nhà nước cũng cần cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong cuộc đua bán lẻ, giữa trong nước và ngoài nước, giữa kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại.

Đồng thời, xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để phát triển thương hiệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi với cơ chế hợp lý.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối để hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường; tăng cường công tác truyền thông đến người tiêu dùng để ủng hộ các sản phẩm hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và tiêu thụ.

Đứng ở góc độ thị trường, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam kiến nghị cần xây dựng mô hình bán hàng đa kênh và cung cấp cho khách hàng sự trải nghiệm liền mạch. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe – đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay.

Bên cạnh đó, khai thác các giải pháp công nghệ, dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu tiện lợi của khách hàng. Đối với mô hình cửa hàng nhỏ, cần có hiểu biết sâu sắc về người mua hàng nhằm vào 4 yếu tố cơ bản, đó là tối ưu danh mục sản phẩm (sản phẩm bán chạy và sản phẩm đặc thù), đáng giá đồng tiền, tiết kiệm thời gian và khuyến khích mua sắm thường xuyên. Cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng, đó là đảm bảo yếu tố mới lạ về sản phẩm và dịch vụ nhằm kích thích mua sắm và sự trung thành của khách hàng.

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam kiến nghị cần xây dựng mô hình bán hàng đa kênh

Đồng ý với bà Đặng Thúy Hà và đánh giá vai trò quan trọng của yếu tố công nghệ, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký VECOM kiến nghị, doanh nghiệp cần xem xét ứng dụng công nghệ một cách nghiêm túc và có sự đầu tư thỏa đáng.

“Đối với các doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ sâu rộng, thì cần chú ý tới kênh bán hàng đa kênh omnichannel để tạo trải nghiệm nhất quán và tức thì cho khách hàng”, ông Tuyến gợi ý./.