16 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4/2019 ước đạt 19,9 tỷ USD, giảm 12,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,12 tỷ USD, giảm 4,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,78 tỷ USD, giảm 15,7%.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu trong tháng 4 có kim ngạch giảm so với tháng trước có thể kể đến như: điện thoại và linh kiện giảm 27,6%; dầu thô giảm 15,3%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 11,5%; thủy sản giảm 9,3%; hàng dệt may giảm 9,2%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 3,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4 tăng 7,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,6%.

Xuất khẩu thủy sản giảm 9,3% trong tháng 4

Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,33 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 29,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 55,43 tỷ USD, tăng 4%, chiếm 70,4% (tỷ trọng giảm 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Trong 4 tháng, có 16 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm: điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,6 tỷ USD; hàng dệt may đạt 9,4 tỷ USD; giày dép đạt 5,3 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,3 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,1 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,9 tỷ USD; thủy sản đạt 2,4 tỷ USD; cà phê đạt 1,1 tỷ USD; rau quả đạt 1,4 tỷ USD…

Cũng trong 4 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU đạt 13,7 tỷ USD, tăng 2,8%; Trung Quốc đạt 10,4 tỷ USD, giảm 5,8%; ASEAN đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,3%; Hàn Quốc đạt 6,2 tỷ USD, tăng 7,3%; Nhật Bản đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6,6%.

Nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc

Cũng theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 4 ước đạt 20,6 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,8 tỷ USD, giảm 2,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,8 tỷ USD, giảm 3%.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với tháng trước đó là: chất dẻo giảm 5,5%; xăng dầu giảm 7,8%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 9,5%; điện thoại và linh kiện giảm 11,6%; ô tô giảm 12,3%.

Tuy vậy, nếu tính chung 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 4 tháng, có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước có thể kể đến như: điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,8 tỷ USD (chiếm 20,2% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 20%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 11,6 tỷ USD, tăng 15,2%; vải đạt 4,1 tỷ USD, tăng 8%; sắt thép đạt 3,1 tỷ USD, tăng 3,9%; chất dẻo đạt 2,9 tỷ USD, tăng 3,9%; ô tô đạt 2,4 tỷ USD, tăng 95,6%; sản phẩm chất dẻo đạt 2 tỷ USD, tăng 12,3%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,3 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 15,5 tỷ USD, tăng 3,1%; ASEAN đạt 10,8 tỷ USD, tăng 9,2%; Nhật Bản đạt 5,7 tỷ USD, giảm 1,4%; EU đạt 4,6 tỷ USD, tăng 14,8%; Hoa Kỳ đạt 4,2 tỷ USD, tăng 14,3%.

Trong tháng 4, ước tính Việt Nam nhập siêu 700 triệu USD. Nếu tính chung 4 tháng, thì Việt Nam xuất siêu 711 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,7 tỷ USD). Trong đó, xuất siêu sang EU đạt 9,1 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 11,9 tỷ USD, tăng 53,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 9,3 tỷ USD, tăng 0,4%; nhập siêu từ ASEAN 2,4 tỷ USD, tăng 16,3%./.