Cũng theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 ước tính đạt hơn 1,4 triệu lượt người, tăng 4,2% so với tháng trước, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 5,9 triệu lượt người, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 5,4%; đến bằng đường bộ đạt 1,1 triệu lượt người, tăng 21,1%; đến bằng đường biển đạt 119,5 nghìn lượt người, giảm 15,9%.

Khách quốc tế tham quan Tràng An - Ninh Bình.

Trong 4 tháng đầu năm hầu hết khách đến từ các thị trường chính đều tăng, chiếm tỷ trọng lớn nhất và có tốc độ tăng cao nhất vẫn là khách đến từ các nước châu Á với gần 4,5 triệu lượt người, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách đến từ Hàn Quốc đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 23,2%; Nhật Bản 302,8 nghìn lượt người, tăng 8,2%; Đài Loan 284,3 nghìn lượt người, tăng 25%; Malaysia 205,5 nghìn lượt người, tăng 15,7%; Thái Lan 174,8 nghìn lượt người, tăng 46,5%; Singapore 94,5 nghìn lượt người, tăng 3,1%.

Riêng về thị trường khách Trung Quốc, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, kể từ tháng 12/2018 đến nay, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam liên tục giảm. Trong 4 tháng đầu năm 2019, khách đến từ Trung Quốc mặc dù vẫn đạt mức cao nhất với 1,7 triệu lượt người, nhưng giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Đại diện các doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường khách du lịch đông dân nhất thế giới này cho rằng, sự sụt giảm của khách du lịch từ thị trường này trong thời gian qua chủ yếu xảy ra ở dòng khách đi bằng charter flight (dòng khách cao cấp với điểm đến chủ yếu là nghỉ dưỡng tắm biển), đối với khách đường bộ và khách máy bay truyền thống có sự biến động không đáng kể…

Trước tình trạng này, Tổng cục Du lịch sẽ xem xét khả năng tổ chức các Chương trình xúc tiến du lịch quy mô tại Trung Quốc. Đồng thời, quảng bá trên các kênh trực tuyến, hướng tới đối tượng khách lẻ Trung Quốc đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, gồm: mạng xã hội (weibo, sina, wechat) và trên các nền tảng đặt dịch vụ trực tuyến (như: qunar, ctrip, mafengwo, taobao).

Trong những tháng cuối năm 2019, ngành du lịch sẽ tập trung nguồn lực tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, châu Âu…; tham gia hội chợ du lịch quốc tế nước ngoài: BITE Bắc Kinh, Sơn Đông (Trung Quốc), Hanatour (Hàn Quốc), WTM (Anh)…; đón các đoàn doanh nghiệp, báo chí Trung Quốc, Hàn Quốc… khảo sát điểm đến, sản phẩm du lịch tại Việt Nam./.