Xuất khẩu giảm nhiều mặt hàng nông nghiệp

Kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2013 ước đạt 11,4 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng 5/2013. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 6,58 tỷ USD. Tính chung cả 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 62,053 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt gần 37,4 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: điện thoại các loại và linh kiện tăng 97%; hàng dệt may tăng 16,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 39,3%; giày dép tăng 16,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 16,6%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước là: dầu thô giảm 2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 1,1%; xăng dầu giảm 38,3%.

Đối với các mặt hàng nông sản và thủy sản, chỉ có hạt tiêu và rau quả đạt kim ngạch xuất khẩu tăng cao (Hạt tiêu tăng 17,3%; rau quả tăng 33,5%), các sản phẩm khác đều tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ như: Thủy sản tăng 0,3%; hạt điều tăng 4,8%; cà phê giảm 21,9%; gạo giảm 7,4%; cao su giảm 19,5%; sắn và sản phẩm của sắn giảm 16,6%.

Về thị trường xuất khẩu trong 6 tháng, Mỹ là thị trường tăng đến 18,5% và chiếm tỷ trọng 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Thị trường EU tăng 25,4%, chiếm tỷ trọng 18,7%. Khu vực ASEAN tăng 17,7%, chiếm 14,9%. Thị trường Nhật Bản và Trung Quốc giảm nhẹ so với cùng kỳ 2012, chiếm tỷ trọng tương ứng là 10,4% và 9,7%.

80% sản phẩm nhập khẩu từ châu Á

Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 6 đạt 11,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng trước. Trong đó, nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,55 tỷ USD. Tính cả 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2012, gồm: điện tử, máy tính và linh kiện tăng 52,3%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 47,2%; thức ăn gia súc tăng 41,5%; bông tăng 33,7%. Ngược lại, một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ gồm: lúa mỳ giảm 35,9%; xăng dầu giảm 25,5%; dầu mỡ động thực vật giảm 18,8%; khí đốt hóa lỏng giảm 15,5%; cao su giảm 15,4%.

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu tại thị trường châu Á trong 6 tháng qua, chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch tăng 33,2%, tỷ trọng đạt 27,3%), ASEAN (tăng 5,3%, tỷ trọng là 17,1%), Hàn Quốc (tăng 39,8%, chiếm tỷ trọng 15,9%), Nhật Bản (tăng 4,1%, tỷ trọng 8,8%) và EU (tăng 21,6%, tỷ trọng đạt 7,5%).

Như vậy, nhập siêu tháng 6/2013 ước tính đạt 200 triệu USD, bằng 1,8% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Tính chung cả 6 tháng khoảng 1,4 tỷ USD, chiếm 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Riêng khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu khoảng 1,65 tỷ USD (nếu tính cả dầu thô, xuất siêu khoảng 5,4 tỷ USD)./.

Anh Đức