Sáng nay (1/7), Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam tổ chức tọa đàm ‘‘Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU): Cơ hội cho doanh nghiệp’’.

Tọa đàm được diễn ra trong bối cảnh ý nghĩa khi hai Hiệp định quan trọng này vừa được ký kết ngày hôm qua (30/6). Đây là cơ hội tốt để các cơ quan nhà nước và hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp có thêm các thông tin hữu ích về Hiệp định, xác định các cơ hội để có sự chuẩn bị tích cực và tốt nhất nhằm tận dụng tốt đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại.

Quyết tâm lớn của Việt Nam

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hai hiệp định EVFTA và IPA là cơ hội để Việt Nam phát huy thế mạnh và tiềm năng của mình. Mục tiêu của Việt Nam là tìm kiếm và hướng tới những cơ hội mới thông qua trao đổi công khai, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, ngoài thương mại, kinh tế, EVFTA còn lan tỏa tất cả các lĩnh vực khác của Việt Nam cũng như của tất cả các thành viên EU.

Nói thêm về EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam là đối tác có trình độ thấp nhất mà EU từng ký hiệp định thương mại tự do (FTA). Từ đó, càng thể hiện rõ sự quyết tâm và nghiêm túc của Việt Nam trong vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, EVFTA lan tỏa đến tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và EU

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, EVFTA là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 07 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (các mặt hàng còn lại theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định EVFTA có phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa, mà còn điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác như mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan chính phủ; thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững.

“Đây là cơ sở để Việt Nam tiến hành cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, đối đầu thành công với các thách thức trong giai đoạn nền sản xuất thế giới đang đứng trước các thay đổi như vũ bão của Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Bộ trưởng tin tưởng. Và khi đó, các cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng sẽ giúp cho các hoạt động đầu tư – kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp và nhà đầu tư của EU, được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Cao ủy Thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom cũng nhấn mạnh, việc ký kết các hiệp định là bước đi quan trọng và đúng hướng giúp nhiều người thoát khỏi nghèo đói, thúc đẩy đầu tư, mang lại công ăn việc làm không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho thế hệ mai sau.

“EVFTA và IPA thực sự là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Và nếu Việt Nam tận dụng được một cách hiệu quả, thì hiệp định này sẽ giúp tạo cơ sở vững chắc cho việc củng cố và phát triển quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU lên một tầm cao mới, đem lại lợi ích thiết thực và to lớn cho doanh nghiệp và người dân của cả hai bên”, bà Cecilia Malmstrom hy vọng.

Cuộc chơi đầy thách thức

Cùng với các cơ hội đặt ra, thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam - nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký hiệp FTA với EU.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế về quy mô, đội ngũ nhân lực, khả năng quản trị. Do đó, khi Việt Nam là đối tác với các nền kinh tế lớn, trình độ công nghệ lớn, thì sẽ là cuộc chơi đầy thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp.

"Những yêu cầu, chuẩn mực rất cao liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch… đòi hỏi sản phẩm của chúng ta phải đáp ứng được những tiêu chuẩn đó", Bộ trưởng lo ngại.

Nói rõ hơn về khó khăn này, bà Cecilia Malmstrom cho biết: "EU cũng cần bảo vệ người tiêu dùng trước hàng hóa nhập khẩu. Do đó, EU đặt ra những tiêu chuẩn và yêu cầu đối với chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực không chỉ đối với EVFTA mà còn đối với các FTA đã và sẽ có trong tương lai".

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những thách thức về quy tắc xuất xứ, bởi nguyên liệu đầu vào của nhiều mặt hàng hiện nay vẫn còn nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước ASEAN.

Mặt khác, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp hiện nay vẫn còn lớn. Hơn nữa, có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nắm rõ hiệp định EVFTA.

Để tận dụng tối đa những cơ hội từ EVFTA, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần thông thoáng về thể chế. Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ công nghiệp, giảm giá thành sản xuất - những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải.

“Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân tài, nhất là đối với vị trí lãnh đạo”, đại diện VCCI gợi ý./.

Theo các tính toán của các chuyên gia Việt Nam, nếu Hiệp định EVFTA được thực hiện ngay có thể sẽ góp phần làm tổng sản phẩm quốc dân (GDP) tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18% đến 3,25% cho giai đoạn từ năm 2019 đến 2023; 4,57% đến 5,30% cho giai đoạn năm 2024 đến 2028 và từ 7,07% đến 7,72% cho giai đoạn năm 2029 đến 2033. Song song với tăng trưởng kinh tế, Hiệp định EVFTA cũng giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000 lao động mỗi năm.

Về phía EU, theo nghiên cứu của Ủy ban Châu Âu (EC), Hiệp định EVFTA sẽ làm tăng thu nhập quốc dân của EU trong dài hạn với mức tăng có thể lên tới 29,5 tỷ Euro. Ngoài ra, dự kiến xuất khẩu của EU sang Việt Nam có thể tăng trung bình khoảng 29%. Đó là chưa kể các lợi ích khác đến từ các lĩnh vực dịch vụ, mua sắm của chính phủ...