Chiều nay (4/7), Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2019. Các vấn đề được dư luận quan tâm như Asanzo giả mạo xuất xứ hàng hóa; cấp phép ồ ạt cho các dự án điện tái tạo; Big C dừng mua hàng dệt may Việt Nam… đã được Bộ giải đáp thỏa đáng.

Sớm ban hành quy định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam

Mới đây, Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo đã bị phát hiện nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc, như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về lắp lại thành sản phẩm, sau đó dán mác xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường.

Liên quan đến vụ việc này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, vụ việc Asanzo đã được Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối, vì Bộ Tài chính là cơ quan thường trực trong Ban chỉ đạo quốc gia chống gian lận thương mại buôn lậu (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia). Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương để kiểm tra, xử lý, báo cáo Chính phủ. Hiện nay, Bộ Công Thương đang làm việc tích cực và có ý thức trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại họp báo

Chia sẻ rõ hơn, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định yêu cầu bắt buộc hàng hoá lưu thông trên thị trường Việt Nam đều phải dán nhãn, trên nhãn phải có tên người sản xuất, tổ chức cá nhân, xuất xứ hàng hoá. Điều 15 của Nghị định số 43 quy định, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân xác định và có trách nhiệm với thông tin đưa ra.

Đáng lưu ý là mặc dù Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng hóa tại thị trường trong nước. “Hiện chưa có quy định rõ ràng xác định xuất xứ hàng hoá như nào được gọi là sản xuất tại Việt Nam, hàng hoá của Việt Nam”, ông Hải nói.

Vì vậy, Bộ Công Thương đang soạn thảo văn bản để làm rõ khái niệm thế nào là hàng hóa của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương sẽ công bố trên website để xin ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Kêu gọi đầu tư tư nhân vào lưới điện truyền tải

Liên quan đến câu hỏi về việc ồ ạt cấp phép các dự án điện mặt trời, điện gió gây quá tải lưới điện, khiến các doanh nghiệp phải giảm tải công suất, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết , sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam với mức ưu đãi về giá điện 9,35 cent/kWh, các địa phương có tiềm năng về năng lượng mặt trời đã có thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, đặc biệt là Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Cùng với đó, nhiều tỉnh cũng bổ sung quy hoạch điện gió.

Vấn đề 2 là đấu lưới một số dự án điện mặt trời Ninh Thuận, Bình Thuận và một số dự án đến thời hạn 30/6/2019 sẽ đi vào phát điện và vận hành. Tuy nhiên, một số dự án ở Bình Thuận quá tải, dẫn đến lưới điện không tải hết các công suất này.

Ngay từ khi bổ sung các quy hoạch điện tỉnh, quy hoạch quốc gia, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp giải quyết vướng mắc trên. Bản thân Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp.

Cụ thể, về quy hoạch, Bộ Công Thương đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ có Văn bản 1891/TTg-CN đồng ý phát triển bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh danh mục các dự án lưới điện truyền tải, nhằm giải tỏa công suất các nguồn điện mặt trời. Theo đó, bổ sung xây dựng mới 11 dự án lưới điện, thông qua trạm biến áp (TBA) 500kV Thuận Nam và đường dây (ĐD) 500KV Thuận Nam – Chơn Thành về trung tâm phụ tải khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, việc đầu tư triển khai xây dựng các đường dây gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư, thời gian thi công. Và đặc biệt khó khăn về đền bù giải phóng mặt bằng. Có những công trình chỉ vướng 1-2 hộ dân nhưng kéo dài hàng năm mới giải phóng. Ngoài ra, công tác lựa chọn nhà thầu gặp nhiều khó khăn, ít nhà thầu tham dự do hàng loạt dự án nguồn năng lượng tái tạo đang triển khai đã thu hút gần như toàn bộ nhân lực của các nhà thầu xây lắp.

Do đó, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia khẩn trương tổ chức nhiều cuộc họp về tình hình vận hành thương mại các nhà máy điện mặt trời, tháo gỡ các vướng mắc, đôn đốc tiến độ vận hành các dự án lưới điện.

Ông Hùng kiến nghị, thời gian tới, Chính phủ cần sớm cho phép tư nhân hóa xây dựng truyền tải, tháo gỡ khó khăn về vốn cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.

Big C sẽ ký lại hợp đồng với 150/200 nhà cung ứng dệt may

Trong 2 ngày gần đây, nhất là ngày 3/7, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa thông tin phía Big C sẽ ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam trong hệ thống siêu thị này. Trước tình hình trên, sáng 4/7, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Central Group (sở hữu Big C).

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, tại buổi làm việc sáng ngày 4/7, phía Central Group Việt Nam cho biết, Tập đoàn này đang có những chiến lược mới cho ngành hàng may mặc tại các kênh phân phối ở Việt Nam. Họ cũng xác định lại hệ thống, module tại hệ thống cửa hàng nên có việc tạm dừng mua hàng của một số doanh nghiệp Việt Nam và việc này sẽ diễn ra trong khoảng 15 ngày. Hiện Tập đoàn đã gửi thư cho các nhà cung ứng, đối tác giải thích rằng việc dừng mua hàng là tạm thời và tất cả các đơn hàng khác đã ký trước đó vẫn tiếp tục được thực hiện.

“Chúng tôi cho rằng việc dừng mua hàng là việc riêng của Big C và các doanh nghiệp Việt Nam nhưng phải được thực hiện thông qua các hợp đồng đã ký, cơ sở pháp lý, pháp luật Việt Nam như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh… Quan điểm của chúng tôi là một mặt hết sức hoan nghênh và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng mặt khác, kiên quyết bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam và quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Cũng trong buổi làm việc, Big C cũng cam kết ngay trong ngày hôm nay sẽ mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp dệt may Việt Nam. Trong 2 tuần tới, Big C tiếp tục có làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp của Việt Nam và 100 nhà cung cấp nữa sẽ tiếp tục được mở đơn hàng. 50 nhà cung cấp Việt Nam còn lại, Big C sẽ bàn bạc kỹ hơn để hàng hóa của họ đáp ứng yêu cầu của phía Tập đoàn.

Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp để đảm bảo cho lợi ích nhà đầu tư, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và người tiêu dùng Việt Nam./.