Ở chứng khoán, thị trường con gấu (bear market) là thuật ngữ dùng để nói một xu hướng đi xuống kéo dài, như cú tát của con gấu từ trên xuống. Ngược lại, thị trường bò tót (bull market) dùng để nói một xu hướng đi lên kéo dài, như cú húc của chú bò tót từ dưới lên.

Thông thường, giá chứng khoán sụt giảm kéo dài, mất từ 15 - 20%, được xem là thị trường con gấu. Và ngược lại.
Ở vàng, một “thị trường con gấu” với cú tát của nó dường như đang hình thành.

Một kiểu… luộc ếch

Gần hai tháng qua, giá vàng thế giới chứng kiến những cú rơi mạnh, có gượng nhưng rồi lại trượt sâu. Trong khoảng thời gian đó, giá vàng thế giới từ trên 1.600 USD/oz, xuống thấp nhất gần 1.350 USD/oz và hiện như đang trong hành trình thử lại đáy này, tức giảm khoảng 15%.
Trong nước, hai tháng qua, giá vàng cũng đã giảm đáng kể, nhưng chỉ hơn 7%. Giảm ít hơn và trượt chậm hơn. Chênh lệch giá vì thế doãng rộng và có lý do của nó. Nhưng cũng chính vì thế mà thị trường trong nước đến lúc này có thể nói đã né đi cú tát của “gấu vàng” thế giới.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nói rằng, một trong những mục tiêu bình ổn thị trường vàng trong nước là làm sao giữ được ổn định, tránh được những cú sốc gây xáo trộn hay tác động tiêu cực tới vĩ mô. Thời gian qua, thị trường vàng trong nước ít sóng, ít sốc, nên đã hạn chế được những xáo trộn.
Giả sử, cú tát của “gấu vàng” thế giới chuyển nguyên đòn vào thị trường vàng Việt Nam, ông Hưng dự tính sẽ có những bất ổn. Như hiện nay, giá trong nước sẽ giảm về khoảng 34,5 triệu đồng/lượng, một dòng vốn lớn có thể đổ xô vào vàng, phía sau đó là thanh khoản hệ thống ngân hàng lung lay, xáo trộn lãi suất và nhiều hệ lụy… Thực tế những năm trước đã chứng minh tác động ghê gớm của những “cú tát” như vậy.
Thực tế giá trong nước có giảm, nhưng trượt dần và gần như không gây sốc hay hỗn loạn như từng có trước đây. Tác động từ những biến động rất mạnh trên thị trường thế giới, ngay cả cú rơi khủng khiếp ngày 15/4 vừa qua, đã bị pha loãng như một kiểu… luộc ếch.
Trong đời sống thường ngày, chuyện luộc ếch vẫn được dẫn như một ví dụ kinh điển về sự thay đổi, hay tránh gây sốc. Chuyện là, nếu luộc một con ếch bằng cách thả thẳng vào nồi nước đang sôi, nó sẽ nhảy vọt hoặc quậy mạnh; nhưng nếu nhẹ nhàng để vào nồi nước lạnh, đun nóng từ từ, con ếch sẽ nằm im đến khi không đủ sức để quậy.
Bình ổn thị trường vàng vừa qua giống như ví dụ trên vậy. Nếu liên thông và bắt nhịp ngay sự nóng bỏng của thị trường thế giới, như cú rơi ngày 15/4 hay liên tiếp những phiên giảm khá mạnh gần đây, thị trường trong nước chắc chắn sẽ quậy mạnh và khiến nhiều vấn đề khác có thể nghiêng ngả theo.
Câu hỏi là, vì sao thị trường vàng trong nước lại “bị luộc” và không quậy? Vì không có sự liên thông; thêm nữa, lúc này Ngân hàng Nhà nước đang tạo tín hiệu giá.

Khó “thả câu” vào đấu thầu vàng

Ngoại trừ phiên ngày 16/4 saucú rơi ba mươi năm có một trên thị trường thế giới, suốt 18 phiên đầu thầu còn lại tính đến ngày 17/5, các thành viên tham gia đều khó “thả câu” để kiếm những chú cá lớn là chênh lệch giá.
Những phiên đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước gây thất vọng khi chào giá quá chát, cao hơn thị trường tại cùng thời điểm. Giá đấu thầu của hầu hết các thành viên chỉ bám sát giá sàn, bởi đặt cao hơn, giá cao hơn mức đang giao dịch bên ngoài thì có thể lỗ.
Những phiên tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục bán giá cao. Nhìn nhận của các thành viên dự thầu hẳn đã thay đổi. Nhà bình ổn đang phát đi tín hiệu giá, và giá trên thị trường (trong nước) xoay quanh nó. Quan trọng hơn, tạm thời không có mục tiêu hạ giá đấu thầu thật thấp để nhanh chóng thu hẹp chênh lệch với giá thế giới. Một số thành viên dự thầu bắt đầu mạnh dạn đặt giá cao hơn, thậm chí có phiên cao hơn giá sàn trên dưới 150.000 đồng/lượng. Có lẽ họ tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không hạ giá thấp, thị trường định hình theo đó, chênh lệch vẫn lớn và chưa thể thu hẹp ngay, nên đặt cao vẫn có thể bán lại được giá cao hoặc vẫn có lợi.
Nhưng rồi những phiên gần đây, mua vàng đấu thầu nếu không đẩy hàng được ngay thì dễ lỗ. Giá đặt thầu không còn vượt xa giá sàn, hay việc “thả câu” trở nên khó khăn, mà thực tế là loạt phiên “ế” vàng đấu thầu khá lớn. Ngân hàng Nhà nước vẫn bán giá sát thị trường, trong khi giá thế giới liên tục giảm và vẫn có sự lôi kéo nhất định.
Một phần nguyên nhân là do các ngân hàng thương mại đã mua và tất toán trạng thái đáng kể. Nhưng nhu cầu hiện vẫn lớn, chỉ có điều rủi ro giá xuống thể hiện rõ những phiên vừa qua khiến họ dè chừng.
Còn Ngân hàng Nhà nước, đến nay vẫn giữ quan điểm không áp giá bán theo nhịp biến động mạnh của giá thế giới. Ngoài việc tránh thả thẳng ếch vào nồi nước nóng, né cú tát của “gấu vàng” thế giới để giảm thiểu những xáo trộn hoặc bất ổn có thể xẩy ra, có lẽ họ vẫn e ngại nếu cái ao của mình bị khách thả câu và bắt được những chú cá lớn.

Theo Minh Đức

Vneconomy