Tại Chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trần tình về các vấn đề “nóng” về xuất khẩu gạo, vấn nạn hàng giả, hàng nhái và đặc biệt là về việc tăng giá điện trong tháng ngày đầu tiên của tháng Tám.

Tâm trạng rất khó tả mỗi khi tăng giá điện

Khi được hỏi về việc tăng giá điện quá sát việc việc điều chỉnh giá xăng dầu, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận: “Đây là câu hỏi đáng suy nghĩ. Tôi xin nói thành thật, Bộ Công Thương trước mỗi lần đặt vấn đề tăng giá điện thì đều có tâm trạng rất khó tả!”

Bộ trưởng Hoàng cũng chỉ ra hai nguyên nhân phải tăng giá điện lần này:

Một là, hiện nay giá điện đang thấp hơn so với giá kinh doanh, ngành điện thì lỗ.

Hai là, theo chủ trương của Đảng của Nhà nước, Quốc hội, thì đối với sản phẩm sản xuất kinh doanh trong đó có cả sản phẩm điện chúng ta thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng có sự quản lý của nhà nước.

Bộ trưởng chỉ rõ, tinh thần của Nghị định 84, xăng dầu là mặt hàng được kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Về nguyên tắc giá xăng dầu của thế giới tăng, thì giá trong nước cũng cần phải tăng và giá thế giới giảm chúng ta cũng phải giảm.

Tuy nhiên, do bối cảnh thực tế nên đến giờ mới tăng giá điện, chứ lẽ ra giá điện phải được điều chỉnh sớm hơn chứ không phải là bây giờ. Bởi, thời điểm tính toán điều chỉnh phải làm sao không tác động lớn đến đời sống đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng nếu kéo dài quá thì tình hình tài chính của ngành điện lại càng khó khăn, tiếp tục lỗ và sẽ không vay được vốn đầu tư của các ngân hàng kể cả với các công trình điện.

Theo Bộ trưởng, từ tháng 12/2012 đến nay chúng ta chưa điều chỉnh giá điện trong khi thông số đầu vào chi phí của ngành điện giá xăng dầu, giá than, chi phí khác tăng lên rất nhiều, biến động rất nhiều.

“Tôi cũng xin lưu ý một điều, dù có điều chỉnh giá nhưng chủ trương của Đảng và Nhà nước với đối tượng người nghèo, các gia đình chính sách vẫn giữ không thay đổi và việc hỗ trợ 30.000 đồng mỗi tháng cho một hộ nghèo về tiền điện vẫn giữ như hiện nay. Đây là cố gắng lớn trong bối cảnh ngân sách của chúng ta còn nhiều khó khăn như hiện nay”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.

Tiếp tục đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng nhái

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong các kỳ họp gần đây, ngành Công thương đã phối hợp hết sức chặt chẽ với cơ quan hữu quan, với Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học Công nghệ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia triển khai rất nhiều biện pháp chống mũ bảo hiểm “rởm”.

Trước hết, đã tập trung vào kiểm tra, kiểm soát, xử lý những cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo chất lượng đối với mũ bảo hiểm theo quy chuẩn. Theo Bộ trưởng Hoàng, đây có thể được xem là khâu gốc của vấn đề.

“Nếu chúng ta làm tốt việc kiểm tra và xử lý những sai phạm này thì những khâu sau như lưu hành, sử dụng các mũ bảo hiểm kém chất lượng sẽ được hạn chế rất nhiều. Do vậy, trong thời gian vừa qua, nhất là từ đầu năm 2013 đến nay thì chúng tôi đã tổ chức ra quân 2 đợt tương đối rầm rộ, tập trung sức lực của toàn bộ hệ thống các cơ quan chức năng vào một việc hết sức bức xúc của xã hội. Qua đó, sơ kết rút kinh nghiệm cho đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với những sản phẩm hàng hóa khác”, Bộ trưởng cho biết.

Bước đầu đã tịch thu khoảng 60.000 mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đã được kiểm tra và đã xử lý sai phạm.

Về hành vi phân bón chất lượng thấp , Bộ trưởng Hoàng cho biết, từ năm 2012 đến hết 6/2013, đã kiểm tra hơn 5.000 các trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón và đã xử phạt 1.370 trường hợp với số tiền xử phạt là 17 tỷ đồng.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương cũng thẳng thắn thừa nhận, việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn đang tiếp diễn và nếu như chúng ta không có giải pháp thích hợp hơn, có hiệu quả hơn thì công tác chống hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực phân bón sẽ tiếp tục diễn ra.

Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Hoàng có 3 lý do:

(i) Hàng phân bón nhập lậu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng được nhâp từ nước ngoài vào trong khi đường biên giới của chúng ta lại rất dài nên việc kiểm soát cũng khó khăn.

(ii) Về mặt kinh tế, đối với những cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh chất lượng phân bón kém, phân bón không đảm bảo theo yêu cầu lợi nhuận lớn hơn số tiền xử phạt, vì vậy nếu không có tính răn đe đủ sức thì sẽ tiếp tục vi phạm.

(iii) Vì vấn đề xã hội, những cư dân ở biên giới nơi nạn buôn lậu nhiều hàng hóa, trong đó có cả phân bón giả vẫn tiếp diễn. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho chúng ta trong công tác xóa đói giảm nghèo giải quyết việc làm cho đồng bào ở những khu vực biên giới như đã nói.

Để giải quyết căn cơ nạn phân bón giả, Bộ trưởng Hoàng ,cho biết việc đầu tiên phải tăng cường công tác xây dựng khuôn khổ pháp lý, làm sao phải có quy định thật chặt chẽ để không có kẽ hở trong các quy định này cho các phần tử lợi dụng.

Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý kiên quyết các trường hợp sai phạm. Đồng thời, phải nâng cao tuyên truyền bởi đây không phải là lỗi của người dân mà là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Vẫn phải khống chế số doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Khẳng định rằng, quy định về 100 đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo không phải đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Hoàng cho biết, qua thực tế khi vận hành Nghị định 109 thì ý kiến của nhiều đơn vị cho rằng, phải giảm bớt số đầu mối để các doanh nghiệp được cấp phép làm việc có hiệu quả.

Chính vì lý do đó ngày 31/7, Chính phủ đã có văn bản 1711 thông báo đồng ý sửa đổi bổ sung như sau:

Thứ nhất, tập trung vào khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện về tài chính, về kho bãi, về thị trường, được thuận lợi trong việc kinh doanh và xuất khẩu gạo và kiên quyết ngăn chặn tình trạng của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện thậm chí là không có khả năng nhưng lại được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo, rồi bán lại giấy phép hoặc là trục lợi trên quy định của Chính phủ.

Thứ hai, trước mắt vẫn phải khống chế doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo bởi số lượng trước đây xuất khẩu là 3-4 triệu tấ, nay là 6-7 triệu tấn thì cũng nên quy định về mặt số lượng tương đối.

“Theo quyết định của Thủ tướng thì chúng ta được phép cân đối trong khoảng 150 doanh nghiệp thay vì 100 doanh nghiệp như trước”, Bộ trưởng Hoàng cho biết.

Thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp trong số có nhu cầu về đăng ký kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ dành ưu tiên cho những vùng có nguyên liệu; doanh nghiệp có cam kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người nông dân, đây cũng là thực hiện theo quyết định 80 của Thủ tướng về liên kết 4 nhà; tiến tới sau này các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải gắn với người sản xuất.

Và một điều kiện nữa là với những doanh nghiệp có liên tiếp 2 năm không xuất khẩu được quá 10 nghìn tấn gạo một năm thì sẽ không cấp phép nữa.

“Đây là tinh thần mới nhất của Chính phủ và tôi cho rằng đây cũng là công cụ pháp lý để góp phần chấn chỉnh nâng cao quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo vì lợi ích của người nông dân”, Bộ trưởng Hoàng khẳng định.