Xuất khẩu nông sản mất vị trí quán quân

Nhìn vào báo cáo xuất - nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng gần đây sẽ thấy sự chuyển dịch về vị trí trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Nếu trước đây, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản được xem là chủ chốt, động lực chính góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, thì đến nay đã bị thay thế bởi nhóm ngành công nghiệp chế biến. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của cả nước giảm tới gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 8 ước đạt 2,39 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của Ngành trong 8 tháng đầu năm 2013 lên 17,98 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,99 tỷ USD, giảm 11,7%. Giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2013 ước đạt 12,09 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, mức xuất siêu của ngành nông nghiệp trong 8 tháng là 5,89 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu của cả nước.

Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng giảm giá từ các mặt hàng xuất khẩu nông sản chính. Cụ thể:

- Gạo là một trong số các mặt hàng nông sản chính có mức xuất khẩu giảm mạnh nhất: Khối lượng xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 4,69 triệu tấn, giá trị 2,05 tỷ USD, giảm 15,7% về khối lượng và giảm 18,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

- Cà phê có bước lùi đáng kể trong xuất khẩu 8 tháng đầu năm do hàng loạt các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về vốn. Dù giá cà phê có tăng nhẹ, nhưng cả nước xuất hơn 970 nghìn tấn, giá trị 2,09 tỷ USD, giảm 23,2% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, 2 thị trường tiêu thụ cà phê của Việt Nam lớn nhất là Đức và Mỹ cũng giảm mạnh so với năm ngoái, lần lượt gần 20% và 30%.

- Cao su cũng nằm trong nhóm suy giảm mạnh về giá trị xuất khẩu, nhưng tốc độ giảm chậm hơn so với gạo và cà phê: giảm 14,1%, tương đương với kim ngạch chỉ hơn 1,5 tỷ USD, dù lượng xuất khẩu tăng 4,6% (638 nghìn tấn) so cùng kỳ.

- Xuất khẩu chè cũng giảm về khối lượng, nhưng tăng về giá trị do giá tăng. Khối lượng chè xuất khẩu tháng 8 ước đạt 14 nghìn tấn với giá trị đạt gần 23 triệu USD, đưa tổng lượng chè xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2013 ước đạt 88 nghìn tấn với giá trị đạt 140 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2012, xuất khẩu chè đã giảm 4% về khổi lượng, nhưng lại tăng 0,7% về giá trị. Giá xuất khẩu chè bình quân 7 tháng đầu năm đạt 1.584 USD/tấn, tăng 4,9%.

Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, hạt điều và hạt tiêu được coi là hai “điểm sáng” do khối lượng và giá trị xuất khẩu cùng tăng. Mặc dù vậy, giá xuất khẩu của hai mặt hàng này vẫn suy giảm. Đối với hạt điều, khối lượng xuất khẩu tháng 8 ước đạt 28 nghìn tấn với giá trị 192 triệu USD, đưa tổng lượng xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2013 đạt mức 168 nghìn tấn với giá trị 1,07 tỷ USD, tăng 18,9% về lượng và tăng 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

Về hạt tiêu, khối lượng xuất khẩu tháng 8 ước đạt 9 nghìn tấn, với giá trị đạt 65 triệu USD, đưa tổng khối lượng tiêu xuất khẩu 8 tháng lên 103 nghìn tấn với giá trị 677 triệu USD, tăng 20,4% về lượng và tăng 16,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 6.566 USD/tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Vì sao xuất khẩu nông sản bấp bênh?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm về khối lượng và giá trị xuất khẩu nông sản trong những tháng qua, như: mất mùa, ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh ngày càng gay gắt… là những lý do được đưa ra để lý giải cho việc xuất khẩu giảm. Nhưng theo chúng tôi cần lưu ý các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, thiếu những đột phá trong chặng đường gần 30 năm đổi mới trong nông nghiệp, nông thôn. Điều đáng nói là nội tại nền nông nghiệp Việt Nam đang "có vấn đề". Nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là cây trồng, nhưng tăng trưởng nông nghiệp 2-3 năm trở lại đây rất chậm. Thực tế này bắt nguồn từ ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế, nhưng quan trọng hơn là do thể chế cải cách nông nghiệp Việt Nam gần đây không còn phát huy tác dụng, cần phải có những đột phá mới.

Vừa qua, trên nhiều diễn đàn, hội thảo liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề xuất khẩu nông sản Việt Nam không tương xứng với tiềm năng đã được mang ra mổ xẻ. Theo các chuyên gia, quốc gia nào cũng bảo hộ nông nghiệp nước mình, lập ra các hàng rào kỹ thuật rất chặt để hạn chế hàng nhập khẩu. Ðặc biệt, các yêu cầu, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, dịch tễ… là những rào cản lớn nhất khiến nông sản Việt Nam khó vào được các thị trường lớn. Vì vậy, con đường duy nhất là phải hướng đến một nền sản xuất sạch đang ngày càng trở nên cấp bách.

Thứ hai, nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về, ảnh hưởng lớn tới uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Vào tháng 4/2013, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Nafiqad) cho biết, vừa có thêm một cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản bị cơ quan chức năng nước này cảnh báo vi phạm quy định an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, kháng sinh. Cơ sở này bị cơ quan chức năng Nhật Bản phát hiện lô tôm chiên bột xuất khẩu vào thị trường trên có dư lượng Chloramphenicol vượt mức cho phép. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, có 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Nhật Bản bị kiểm soát đặc biệt.

Cùng với thủy sản, trong tháng 5/2013, đối tác châu Âu cũng đã trả lại một số lô hàng do có tồn dư 2 hợp chất Acetamiprid và Imidacloprid. Ngay cả loại nông sản chủ lực của Việt Nam là lúa gạo cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm đến nay cũng đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng (do một số doanh nghiệp ham lợi trước mắt, dùng gạo từ lúa OM 4900 gần giống gạo thơm Jasmine để trộn 2 loại này với nhau khi xuất khẩu).

Trước đó tháng 11/2011, quả thanh long - một mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu khá lớn của Việt Nam – cũng đột ngột bị Mỹ cấm thông quan vì cho là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép.

Điều đáng nói là chuyện lô hàng nông sản xuất khẩu bị trả lại không phải hiếm ở Việt Nam. Kết quả báo cáo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã được đưa ra tại Hội thảo “Đáp ứng tiêu chuẩn - Chiếm lĩnh thị trường: Giải pháp tháo gỡ thách thức đối với chuỗi giá trị thủy sản trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại”, ngày 21/3/2013 tại Hà Nội, thì Việt Nam là 1 trong 3 nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu cá và sản phẩm thủy sản (theo số liệu tuyệt đối) tại 4 thị trường nhập khẩu lớn là EU, Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Cụ thể, Việt Nam đứng đầu trong số các nước xuất khẩu sang EU và Hoa Kỳ về số vụ từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản trong giai đoạn 2002-2010, với khoảng 160-380 vụ. Còn tại thị trường Nhật Bản, trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam cũng đứng đầu các nước xuất khẩu về số vụ từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản trên 1 triệu USD, khoảng hơn 120 vụ. Riêng thị trường Úc, Việt Nam đứng thứ 4, sau Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc về số vụ thủy sản bị trả về, gần 350 vụ.

Thứ ba, yếu tố “Thái Lan”. Thông tin từ Thái Lan cho biết, hiện nước này đang tồn kho tới 16 triệu tấn gạo. Vì thế, trong những tháng sắp tới, nhiều khả năng Chính phủ Thái Lan ép giá gạo xuất khẩu xuống và chấp nhận lỗ lớn, nhằm giải tỏa bớt tồn kho. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam. Bởi, nếu Thái Lan tiếp tục giảm giá để xả kho (giá công khai hiện nay 435 USD/tấn), Ấn Độ và Pakistan cũng sẽ giảm theo sẽ tiếp tục tạo sức ép lên giá gạo Việt Nam.

Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong tháng 7, gạo Đông Xuân giá khoảng 400 USD/tấn, còn gạo hè thu chào bán 375-380 USD/tấn. Giá gạo thế giới tụt sâu, nên việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang châu Phi (mà Việt Nam đang tập trung khai thác) sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ gạo Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan.

Đâu là giải pháp?

Để xuất khẩu nông sản Việt Nam có thể giữ được đà tăng trưởng bền vững, cần khắc phục những khó khăn hạn chế trên, đồng thời thực hiện các giải pháp sau:

Về phía Nhà nước:

- Tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp trong nước theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, chuyên canh; tăng hàm lượng khoa học, kỹ thuật trong tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đến chế biến nông sản nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành. Từ đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trước mắt, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể với một số mặt hàng chính. Đặc biệt, để giải bài toán tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp kinh doanh cà phê sẽ được tái cơ cấu các khoản nợ vay trước đây lên thời hạn vay 5 năm. Cà phê, điều đã qua chế biến cũng được đưa vào nhóm đối tượng được gia hạn thời gian vay tối đa từ 12-36 tháng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Đồng thời, miễn thuế xuất hoặc tạm dừng thu thuế với cao su thiên nhiên xuất khẩu.

- Tập trung chỉ đạo và tạo điều kiện để hỗ trợ nông dân và các chủ thể có liên quan đến sản xuất nông nghiệp theo quy trình GAP. Đây là một chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt từ A đến Z của dây chuyền sản xuất. Nếu Việt Nam không tích cực thực hiện sản xuất nông nghiệp theo quy trình này, thì sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường quốc tế.

- Hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, cung cấp thông tin thị trường cho các chủ thể liên quan.

- Phải tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng nhằm xử lý “mạnh tay” các trường hợp cố tình áp dụng kỹ thuật nuôi trồng có hại cho môi trường, làm “bẩn” nông phẩm.

Về phía các doanh nghiệp kinh doanh:

- Xây dựng và tham gia phát triển chuỗi cung ứng nông sản theo hướng sản xuất lớn, đáp ứng các yều cầu về cả số lượng và chất lượng nông sản. Các doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm trong việc điều phối và vận hành hiệu quả hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nông sản. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần chủ động đặt hàng với các cơ sở nghiên cứu để có thể cung cấp cho các hộ nông dân, các hợp tác xã những giống cây, con chất lượng cao, các loại thuộc bảo vệ thực vật an toàn và nằm trong danh mục được pháp sử dụng đảm bảo chất lượng.

- Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu không khó, khó là làm sao phát triển và giữ vững được thương hiệu sau khi đã xây dựng. Muốn vậy, điều quan trọng phải bảo đảm chất lượng của nông sản đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và cả thị trường. Việc hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản quy mô lớn sẽ là cơ sở ban đầu để hình thành các thương hiệu mạnh của các doanh nghiệp và nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, tạo cơ sở nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Về phía người nông dân: Cần xóa bỏ tâm lý "tiểu nông" cố hữu trong sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản tại Việt Nam. Nếu vẫn giữ cung cách sản xuất tùy tiện, nhắm mắt làm liều sao cho đạt số lượng mà quên đi chất lượng, thì nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới không thể tạo được chỗ đứng vững chắc. Vì thế, người nông dân phải nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác, chế biến của mình để những nông sản thực phẩm làm ra thực sự đảm bảo chất lượng và an toàn. Đồng thời, bản thân người nông dân cần học tập để tự làm chủ khoa học, công nghệ cũng như có thể tự ứng dụng các công nghệ sản xuất sạch trên cánh đồng của mình./.

Tài liệu tham khảo:

1. Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) (2013). Thực trạng tuân thủ tiêu chuẩn thương mại của thủy sản Việt Nam, Báo cáo tại Hội thảo Đáp ứng tiêu chuẩn - Chiếm lĩnh thị trường: Giải pháp tháo gỡ thách thức đối với chuỗi giá trị thủy sản trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại, Hà Nội, ngày 21/3/2013

2. Thanh Nhân (2013). Xuất khẩu nông sản tuột dốc, Người Lao động online, truy cập từ http://nld.com.vn/20130902085254643p0c1014/xuat-khau-nong-san-tuot-doc.htm

ThS. Phạm Thị Thu Hương

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 18/2013