“Con ngựa” đã bớt bất kham

Nhìn lại khoảng 5 năm trở lại đây, giá sữa ở Việt Nam đã có tới 30 lần tăng. Chỉ riêng năm 2013, sữa nhập khẩu đã có 5 lần tăng giá, với mức tăng từ 5% cho đến 20%, trong đó 3 lần tăng giá gần đây nhất không kê khai, với lý do: các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em trước kia giờ đã được đổi tên thành “thức ăn công thức”, “thực phẩm bổ sung”, “thực phẩm dinh dưỡng”… cho phù hợp với bộ quy chuẩn mà Bộ Y tế ban hành từ năm 2010.

Ngoài ra, các hãng sữa cũng biện minh cho việc này là do giá nguyên liệu tăng, chi phí nhân công tăng, chi phí quản lý, thuê mặt bằng… Chỉ đến khi các cơ quan chức năng thông báo giá nhập khẩu sữa người tiêu dùng mới “vỡ” ra rằng giá bán lẻ sữa ở thị trường trong nước cao gấp nhiều lần giá vốn. Thực tế, giá sữa ở Việt Nam chỉ có tăng chứ không giảm, ngay cả việc giá nguyên liệu thế giới có giảm thì các doanh nghiệp sữa trong nước cũng… “làm thinh”.

Trước những bức xúc trên, ngày 4/10/2013, Bộ Y tế đã ban hành Danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá. Theo đó, danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá bao gồm:

- Sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Y tế ban hành.

- Sữa và các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ em dưới 06 tuổi nhưng không theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Cần nhiều biện pháp đồng bộ hơn nữa

Có thể nói, đây là động thái mới nhất của cơ quan quản lý sau những diễn biến loạn giá sữa trên thị trường thời gian qua. Những điểm mới của Thông tư là: Trước đây, chỉ những sản phẩm sữa mới được quản lý giá thì nay, các sản phẩm sữa và thực phẩm bổ sung sẽ thuộc diện hàng bình ổn giá. Nếu trước đây chỉ sản phẩm sữa cho trẻ em từ 0-36 tháng tuổi mới được quản lý giá thì nay sản phẩm sữa cho trẻ từ 0-6 tuổi cũng phải được bình ổn giá.

Kỳ vọng, mong chờ vào thị trường sữa đảm bảo về chất lượng và ổn định về giá cả là tâm lý của người tiêu dùng vào lúc này. Tuy nhiên, việc ban hành Thông tư 30 cũng mới chỉ dừng ở việc quy định cụ thể trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng. Còn cơ chế bình ổn giá ở đây vẫn là khái niệm phải phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thực tế. Các doanh nghiệp vẫn được phép tăng giá nếu có báo cáo giải trình cụ thể với cơ quan quản lý.

Trả lời VTV mới đây, ông Ngô Trí Long, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và quản lý giá cho rằng, Thông tư 30 chỉ mới giải quyết được một trong những nguyên nhân tăng giá sữa vô lý thời gian qua. Đó là chuẩn hóa lại tên gọi thuộc diện quản lý giá của nhà nước bao gồm cả sữa và thực phẩm dinh dưỡng nằm trong diện kiểm soát về giá. Còn thực chất để kiểm soát được triệt để và hiệu quả giá sữa cho trẻ em, Nhà nước sẽ còn cần phải sử dụng nhiều biện pháp và công cụ khác nữa. Còn không thì giá sữa vẫn có cách để leo thang bất chấp quy định của cơ quan nhà nước.

Ông Ngô Trí Long cho biết, “Ngoài chiêu trò thay đổi tên gọi để lách sự quản lý giá còn rất nhiều chiêu trò khác như có thể thay đổi mẫu mã, bao bì, kê khai tiền lương tăng, giá nguyên vật liệu tăng, chi phí tiếp thị… Nhà nước phải tiến hành thanh và kiểm tra hết sức nghiêm túc hoạt động chi phí kinh doanh, xử phạt nghiêm minh. Trên cơ sở đó mới đảm bảo được lợi ích của người tiêu dùng”.

Phải nhìn nhận một thực tế, việc ban hành Thông tư 30 của Bộ Y tế chỉ là bước đầu tiên trong chiến dịch kiểm soát giá mặt hàng sữa. Còn hiệu quả thực sự thì vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt, cụ thể của cơ quan trực tiếp quản lý. Được biết thời gian tới, Liên Bộ Tài chính – Y tế sẽ có cuộc họp để triển khai nội dung thông tư này./.