Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu trong phạm vi 5%

Trả lời trong cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường trong nước cho biết, hiện nay, Bộ đang theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới cũng như giá bình quân 30 ngày.

Tuy giá xăng thế giới cuối tháng 9 có điều chỉnh giảm so với đầu tháng, nhưng không giảm liên tục nên cần phải theo dõi thêm. “Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, nếu đủ điều kiểm giảm giá xăng sẽ cho giảm ngay”, ông Chiến khẳng định.

Về dự thảo nghị định quản lý xăng dầu mới, đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngày 18/9, ngay sau khi có văn bản thẩm định từ phía Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã trình dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84 lên Chính phủ. Nghị định mới gồm 5 chương 40 điều, dự kiến sẽ có một số quy định mới bổ sung và điều chỉnh, nhằm khắc phục những bất cập của Nghị định 84 trước đây.

Theo đó, một số điểm mới trong dự thảo được ông Chiến cho biết là thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu, biên độ điều chỉnh sẽ có xu hướng giảm (từ 7% xuống còn 5%), lập quy trình quản lý chất lượng xăng dầu theo hệ thống, đảm bảo thống nhất từ đầu mối đến các doanh nghiệp cung ứng.

Dự thảo mới cũng sẽ có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các bộ liên quan trong việc minh bạch, công khai điều hành kinh doanh xăng dầu và tạo những tiền đề nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.

"Dự thảo mới sẽ quy định về quyền tự quyết của doanh nghiệp, nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp muốn tăng thì tăng, giảm thì giảm mà sẽ có sự giám sát của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là dự thảo nên sẽ còn có những điều chỉnh, thảo luận trong các phiên họp sắp tới", đại diện Cục Thị trường trong nước cho hay.

Ngoài ra, ông Chiến cũng khẳng định, Dự thảo mới hiện chưa quy định về thời gian doanh nghiệp bắt buộc phải giảm giá xăng dầu sau khi giá bình quân thế giới giảm.

"Đúng là giá cơ sở đang được tính là bình quân giá thế giới trong 30 ngày. Tuy nhiên, việc có hay không điều chỉnh giá xăng dầu còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, như thuế nhập khẩu, mức trích quỹ bình ổn và sự phát triển kinh tế trong nước chứ không chỉ là mức giá bình quân này", ông nói.

Ban hành danh mục quản lý sữa trước 5/10

Vấn đề sữa trong thời gian vừa qua khá “nóng”. Mặc dù, tên gọi sữa, sản phẩm sữa thuộc danh mục bình ổn giá, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi bán mặt hàng này đã thay bằng tên khác, không phải là sữa (nhiều doanh nghiệp lấy tên là sản phẩm dinh dưỡng) nên không thuộc diện điều chỉnh, kê khai giá.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành danh mục mặt hàng sữa và sản phẩm sữa, căn cứ vào đó Bộ Tài chính sẽ đưa ra danh mục quản lý giá. Danh mục này sẽ được công bố trước ngày 5/10/2013.

“Đây là chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, nếu đưa vào diện quản lý giá chắc chắn việc kê khai giá không đúng với cơ quan ban hành sẽ được hạn chế”, ông Chiến nhấn mạnh.

“Hiện nay, Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính kiểm tra việc tăng giá của các doanh nghiệp sữa thuộc diện kê khai giá, xem cơ cấu giá có phù hợp không, nếu không phù hợp thì yêu cầu điều chỉnh. Ngoài ra, Quản lý thị trường hoàn toàn có chức năng kiểm tra các công ty kinh doanh sữa nếu không thực hiện đúng kinh doanh pháp luật sẽ chịu xử phạt theo quy định”, ông Chiến cho biết thêm.

Bộ Công Thương sẽ trực tiếp cấp phép kinh doanh đa cấp

Tại họp báo, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, Cục đang đưa trình Bộ để xây dựng lại quy định về quản lý bán hàng đa cấp tại Việt Nam.

Ông Nam cho biết, quản lý bán hàng đa cấp của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực. Hiện tại, Việt Nam có Nghị định 110, Thông tư 19 để quản lý loại hình kinh doanh này. Cục ước tính, hiện tại cả nước có 64 doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đã có 3 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép. Trước những biến tướng phức tạp của kinh doanh đa cấp, Cục đang trình Bộ Công Thương xây dựng sửa đổi Nghị định 110. Hiện Cục đang trình ý kiến của các bộ, ngành. Việc sửa đổi sẽ thay đổi quy định cấp giấy phép bán hàng đa cấp, để kiểm soát chặt chẽ hơn.

"Việc Bộ Công Thương trực tiếp cấp giấy phép là rất quan trọng. Hiện nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp xin cấp phép ở địa phương, sau đó họ lại chuyển sang hoạt động sang các thành phố lớn. Vì vậy, việc kiểm soát rất chồng chéo", ông Nam cho biết.

Đặc biệt, Quy định sẽ nghiêm cấm loại hình kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp (mô hình hàng hóa không đến tay người tiêu dùng mà doanh thu của công ty chủ yếu đến từ việc đóng phí của người tham gia).

Ngoài ra, Quy định mới cũng sẽ nâng mức thuế pháp định và mức ký quỹ đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp lên. Ký quỹ sẽ bằng tiền mặt. Trước đây, việc ký quỹ quy định là 1 tỷ đồng, và có thể thông qua bảo lãnh của ngân hàng hay thế chấp bằng tài sản. Tuy nhiên quy định mới sẽ buộc doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải trả bằng tiền mặt. Mức ký quỹ dự kiến sẽ là 5 tỉ đồng./.